Kỳ lạ vụ kiện CSGT: Vắng cả nguyên đơn lẫn cảnh sát
Trong phiên xử phúc thẩm một người dân kiện Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, lần đầu tiên phiên xử được mở mà vắng mặt cả người khởi kiện lẫn bên bị kiện.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 30/3/2013, tại Km50 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt dừng xe, lập biên bản ông Trịnh Công Đông (ngụ Đồng Nai) vi phạm tốc độ 103/80 km/giờ. Sau đó, Cục ra quyết định xử phạt ông 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Ông Đông cho rằng ông đang lưu thông ở làn đường 100 km/giờ thì gặp chiếc xe 7 chỗ chạy tốc độ 80 km/giờ. Theo quy định, ông xin vượt rất lâu nhưng xe này cố tình không cho vượt.
Lúc này làn đường 80 km/giờ không có chướng ngại vật, không có bảng cấm vượt phải, nên ông chuyển làn đường, bật đèn tín hiệu xin vượt phải. Muốn vượt tốc độ 80 thì ông phải chạy trên 80 km/giờ.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Đông, đã khiến ông phải chạy vào làn đường này là vì CSGT không thực hiện công vụ được giao, không giải phóng làn đường 100 km/giờ, làm biển báo cho phép chạy tối đa 100 km/giờ mất hiệu lực.
Trong khi đó, Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng việc xử phạt là đúng thẩm quyền và các quy định, có ghi hình ông Đông chạy quá tốc độ cho phép 23 km/giờ. Trước đó, ông Đông đã ký vào biên bản vi phạm, không có ý kiến gì, sau đó mới khiếu nại. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Đông.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ dân kiện các cán bộ, Bộ , ngành... Trước đó, ngành giao thông vận tải cũng xảy ra trường hợp tương tự.
Ngày 7/10, Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Văn Lang (80 tuổi) kiện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (chủ đầu tư dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) đòi bồi thường 474 triệu đồng do lô cốt án ngữ trước nhà gây thiệt hại về kinh doanh.
Trình bày tại phiên tòa, ông Lang cho biết gia đình ông sở hữu căn nhà mặt tiền đường Hoàng Sa (Q.1), kinh doanh quán ăn. Trong quá trình thi công dự án từ 2005 - 2009, Sở GTVT TP.HCM cấp phép cho đơn vị thi công rào “lô cốt” trước nhà khiến gia đình ông mất thu nhập.
Thêm vào đó, việc thi công gây sụt lún, nứt nhà. Các khoản thiệt hại cụ thể của ông gồm: 120 triệu đồng tiền sửa chữa nhà; 252 triệu đồng mất thu nhập; 105 triệu đồng tiền lãi suất do việc chậm bồi thường hai khoản trên.
Xử sơ thẩm, tòa buộc Sở GTVT bồi thường hơn 31,5 triệu đồng chi phí sửa chữa nhà và ghi nhận sự tự nguyện của Sở GTVT hỗ trợ hơn 18,4 triệu đồng. Nhưng ông Lang kháng cáo.
HĐXX phúc thẩm nhận định việc lô cốt án ngữ trước nhà ảnh hưởng đến kinh doanh là có, nhưng ông Lang không cung cấp được chứng cứ thiệt hại 6 triệu đồng/tháng nên không có cơ sở.
Ngoài ra, HĐXX cũng cho rằng chi phí sửa chữa nhà bị hư hỏng đã có kết luận của công ty giám định, ông Lang không khiếu nại gì kết luận này, cũng không cung cấp chứng cứ chi phí bỏ ra sửa chữa nhà nên kháng cáo trên cũng không được chấp nhận.
Tuy nhiên, ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Lang cho biết ông quyết định sẽ không theo đuổi vụ kiện sau phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vừa qua.
Theo ông Lang, dù bản thân ông chưa hài lòng, nhưng ông quyết định dừng, vì tuổi già sức yếu, ông không có thời gian để tìm thêm bằng chứng theo yêu cầu của toà.
“Như vậy, sau gần chục năm theo đuổi vụ kiện, số tiền tôi được bồi thường chưa đủ so với số tiền tôi chi phí cho vụ kiện”, ông Lang nói.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo