Xã hội

Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Mỗi thí sinh một đề thi

(DNVN) - Một trong những điểm mới của phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 là mỗi thí sinh có một đề thi riêng.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học (ĐH), CĐ hệ chính quy.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 làm thủ tục trước giờ thi - Ảnh: Như Hùng/Tuổi trẻ.

Mỗi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức 1 cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp, báo Thanh tra đưa tin.

Sở GD&ĐT các tỉnh bố trí cán bộ thực hiện các khâu tổ chức thi theo quy chế. Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên từ các ĐH, học viện đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.

Kỳ thi sẽ được tổ chức gồm 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (KHTN) (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (KHXH) (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa Lý đối với giáo dục thường xuyên (GDTX)).

Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ) theo khối truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới).

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có 1 mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN); kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mền máy tính; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

 

“Ngay sau khi công bố phương án thi, Bộ sẽ tập hợp lực lượng giáo viên, chuyên gia xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi để đảm bảo quy trình, độ tin cậy để mỗi học sinh có một mã đề khác nhau. Khả năng trùng lặp là 20%”, ông Mai Văn Trinh  Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết trên báo Infonet.

Cho đến thời điểm hiện tại, dư luận có nhiều thắc mắc về ngân hàng đề thi trắc nghiệm, mức độ phân hóa kiến thức cũng như đề thi minh họa....

Trả lời về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay: Trong tất cả kỳ thi, đề thi có vai trò quan trọng quyết định thành công. Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện xây dựng đề thi trong nhiều năm qua trên cơ sở phương thức thi phù hợp với thực tiễn dạy – học.

Trả lời về độ phân hóa kiến thức cơ bản và nâng cao trong đề thi, Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho hay, trong năm 2015-2016 đề thi THPT quốc gia được thiết kế với mức độ câu hỏi cơ bản nhằm  mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. 

Từ năm 2016 và 2016, tỷ lệ kiến thức cơ bản trong đề thi ít nhất là 60% kiến thức cơ bản 40% kiến thức nâng cao. Đây là mức thấp nhất, cơ bản nhất; còn khi xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi cho đề thi 2017, Bộ sẽ có tính toán hợp lý để mức độ phân hóa phù hợp nhất với phương thức, mục đích thi.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo