Kỳ VI: Thứ trưởng “đạt yêu cầu”
Nhưng khi tôi hỏi một câu vu vơ, ngớ ngẩn rằng, bây giờ ông có lăn tăn điều gì không, có bằng lòng với mình không, ông linh hoạt hẳn lên; gương mặt hân hoan như trẻ lại.
Ông nói:“Nhìn chung là tạm được. Có khuyết điểm, có thành tích. Tôi có ba con, đều là đảng viên, kỹ sư, thạc sỹ; đều thành đạt; có 10 cháu nội, ngoại. Vạt đất này bảy mươi lăm mét vuông, bà ấy mua năm chín tám. Khi đó tôi đang làm thứ trưởng, tính ra hết có mấy cây vàng. Nhà tôi con cháu đông. Ở khu tập thể chật chội quá, phải ra ngoài đê mua cho rộng. Nhìn chung, cuộc sống của tôi đạt yêu cầu”
Ông nhấn mạnh mấy tiếng “đạt yêu cầu”, điệu bộ hoạt lắm, rồi cười hơ hơ. Điệu bộ ấy, nụ cười thanh thản, cởi mở ấy mới đích thị là ông Phan Phệ ngày nào!
Là ông vui tính nói vậy chứ tôi biết, ông rất tự hào với chặng đường cay đắng và vinh quang của ông. Bây giờ tôi mới để ý, trên các bức tường của phòng khách, chỉ gắn trang trọng mỗi tấm Huân chương Độc lập hạng Ba. Tôi được biết thêm, ông là một trong những người có công lớn trong sự nghiệp phát triển năng lượng than và điện của Việt Nam.
Từ bản dịch tiếng Nga trong tù
Suốt mấy chục năm công tác, ngoài kiêm nhiệm một số chức vụ như Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ Công nghiệp, Thủ trưởng Cơ quan Bộ, còn lại, ông Phan chỉ làm chuyên môn, trong đó, làm lâu nhất là công tác xây dựng cơ bản.
Dù là trưởng phòng, vụ phó, cục phó, cục trưởng rồi thứ trưởng, ông đều đặc trách công tác đầu tư xây dựng cơ bản ngành than. Sau này các bộ sáp nhập thành Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp, ông ôm thêm công tác đầu tư xây dựng cơ bản các ngành điện, hóa chất, v.v.
Nhờ chuyên tâm làm công tác này, nhất là đối với ngành than nên, khi hỏi lý lịch các mỏ than, không cần sổ sách gì, ông vẫn nói vanh vách.
Chẳng hạn, Mỏ than Mạo Khê do người Pháp khai cách đây hơn 100 năm, tài nguyên các ức trên cạn kiệt. Năm 1973, Xí nghiệp Xây lắp 4 (thuộc Công ty Xây dựng Than-Điện, sau nhập vào Mỏ than Mạo Khê) đào giếng nghiêng từ mức dương 17 xuống âm 80 để khai thác than từ âm 80 trở lên.
Trong qua trình xây dựng, do nguyên nhân khách quan, việc đào giếng nghiêng này bị đình trệ; giếng ngập nước 15 năm. Năm 1996, Tổng Công ty Than Việt Nam mới khôi phục.
Mỏ Vàng Danh, Mông Dương cũng vậy. Phần than nục nạc bên trên, Pháp lấy hết. Thế là phải xây dựng mỏ mới. Từ thập kỷ bảy mươi, Xí nghiệp Xây lắp 5 xây dựng mỏ Vàng Danh, Xí nghiệp Xây lắp 6 xây dựng Mỏ Mông Dương. Tiếp nữa là xây dựng các mỏ mới như Khe Tam (Dương Huy), Khe Chàm, Tân Lập, v.v, và một số mỏ lộ thiên khác như Cao Sơn, Núi Béo, Núi Hồng (Thái Nguyên), v.v. “Phải đi trước thì sau này ngành than mới có đất, có ruộng để cày chứ”.
Tôi hỏi:
-Những dự án ông nêu có phải nằm trong tài liệu báo cáo cơ sở tổng sơ đồ phát triển ngành than lên 40 triệu tấn mà ông tham gia dịch trong tù không?
-Không. Chiến lược này bị thất bại! Ra tù, tôi được tham gia xây dựng quy hoạch phát triển ngành than mới thấy chiến lược này viển vông quá. Khi đó lấy đâu ra vốn, lấy đâu lực lượng để làm được 40 triệu tấn? Tuy nhiên, tập tài liệu này giúp cho các kỹ sư mỏ nước ta có cái nhìn tổng hợp về quy hoạch, lập dự án, thiết kế than.
Từ đây, một số kỹ sư Việt Nam được sang Liên Xô thực tập về công tác tư vấn thiết đầu tư xây dựng mỏ. Đây là lực lượng nòng cốt xây dựng Viện Quy hoạch Thiết kế Than, nay là Công ty CP Tư vấn Đầu tư Mỏ&Công nghiệp, thuộcTKV lớn mạnh. Lực lượng làm tư vấn đầu tư của ta sau này tự lập dự án đầu tư, tự thiết kế nhiều công trình mỏ mà không cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài.
Năm 1982, ông Phan được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Mỏ&Than và được giao phụ trách công tác đầu tư xây dựng cơ bản của ngành than. Ông Phan cho biết, trên cơ sở những mỏ, những nhà máy của ngành than, Viện Thiết kế Mỏ Quốc gia Leningrat, Liên Xô, giúp ta lập tổng sơ đồ phát triển công nghiệp than Việt Nam đến năm 1990 và dự báo đến năm 2000. Tổng sơ đồ này được Bộ Mỏ&Than phê duyệt ngày 24/6/1982. Đây là lần thứ hai, Liên Xô giúp ta lập quy hoạch phát triển ngành than.
Từ hiệp ước và tổng đồ quy hoạch, Liên Xô tiếp tục giúp ta xây dựng các mỏ đồng bộ hơn; từ khâu lập dự án, đầu tư thiết bị đến tư vấn giám sát, đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lí. Thậm chí Liên Xô còn cử công nhân sang làm trực tiếp để kèm cặp công nhân Việt Nam.
Về thiết bị, từ thập kỷ tám mươi, Liên Xô đưa vào mỏ hầm lò của nước ta những thiết bị hiện đại, kềnh càng như máy đào lò combai, máy đánh rạch, máy khoan PU ba mũi chạy trên đường ray, v.v. Máy đào lò combai ở Mông Dương gắn với tên tuổi của Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng, với năng suất đào lò kỷ lục.
Tại các mỏ lộ thiên, có máy xúc Ekaghe, dung tích gàu xúc 5m3, 8m3, gắn với tên tuổi của Anh hùng Lao động Vũ Xuân Thủy; rồi ô tô Benla, trọng tải 30, 40 tấn, gắn với tên tuổi Anh hùng Lao động Lê Khắc Vừng ở Mỏ Cọc Sáu. Những thiết bị, máy móc của Liên Xô đầu tư năm ấy, đến nay vẫn hoạt động tốt. (bây giờ TKV hợp tác với nước ngoài chế tạo, lắp ráp được máy đào lò combai, máy xúc điện dung tích gàu xúc 10 m3/gàu; hoạt động rất hiệu quả-TG).
Người viết bài này cũng được làm cùng ca với mấy ông tây ở Mông Dương. Đó là những thợ lò lực lưỡng, chăm chỉ và vui tính. Tuy nhiên, họ chóng xuống sức. Khi lên xà (một công đoạn trong chu kỳ đào lò) xong, họ ngồi vật ra hông lò, thở dốc.
Khi đó, tại mức âm 97,5 mét dưới lòng đất, Mỏ Mông Dương như thành phố ngầm. Những đường lò rộng thênh thang, điện sáng trưng, các tường lò đầy những khẩu hiệu về tình hữu nghị Việt-Xô. Một lần, các phóng viên ở Hà Nội xuống Mông Dương tác nghiệp, có đồng nghiệp hỏi tôi, không hiểu thợ mỏ làm việc suốt tám tiếng trong lòng đất, nhỡ có nhu cầu dị hóa, họ đi ở đâu, chẳng nhẽ lại phải lên mặt đất.
Tôi bảo, thì ngay trong lò chứ đâu! Chết, ai mà ngửi được! Hay họ chôn? Không! Mỏ Mông Dương này, các bạn Liên Xô giúp ta không những vốn, thiết bị mà còn lưu ý cả cái sự không tiện nói. Chu đáo, chi tiết đến thế là cùng!
Ông Phan cho biết, trong 10 năm (từ năm 1980-1990), Liên Xô giúp Việt Nam bình quân mỗi năm 30 triệu rúp vàng để xây dựng các mỏ và 30 triệu rúp vật tư thiết bị để duy trì sản xuất. Giá trị đồng rúp ngày ấy to lắm, mỗi rúp ăn 1,1 USD. Một chiếc bàn là có năm rúp, tủ lạnh Saratov có 180 rúp. Với tổng mức đầu tư ấy, một số được đầu tư xây dựng hệ thống khai thác các mỏ; đầu tư thiết bị máy móc vào các công trình; còn lại là các kho thiết bị khổng lồ đang đắp chiếu.
Theo một số cán bộ lãnh đạo của ngành than, ngày đó, với vai trò là lãnh đạo bộ, trực tiếp phụ trách công tác xây dựng cơ bản của ngành than, ông Phan chỉ đạo rất linh hoạt và hiệu quả việc phân bổ, điều động lượng thiết bị khổng lồ cho ngành than. Ông còn có công lớn trong việc đưa điện lưới quốc gia về một số địa phương miền núi, nơi có mỏ than như Quế Sơn (Quảng Nam), Tương Dương (Nghệ An), v.v.
Ông Nguyễn Châu kể: “Khi anh Phan về Bộ, anh ấy là sếp của tôi. Anh ấy là Thứ trưởng còn tôi chỉ là Giám đốc Công ty than Ba mà. Nhưng đi đâu, anh ấy cũng giới thiệu trịnh trọng, tôi là thủ trưởng cũ của anh ấy.
Chúng tôi từng đi nhiều ngày vào tận vùng núi Quế Sơn để khảo sát, bàn bạc với lãnh đạo địa phương về xây dựng đường điện vào đó, cung cấp cho Mỏ than Nông Sơn và dân trong ấy; rồi xây đường điện lên huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) để cung cấp cho Mỏ than Khe Bó. Đi đến đâu anh ấy cũng vồn vã, thân mật với dân, được dân quý mến lắm”.
…Ngoài tám năm học đại học và thực tập sinh ở Nga, ông Phan còn sang Nga hàng chục lần để đàm phán, bàn bạc với bạn về công tác xây quy hoạch, đầu tư xây dựng mỏ, trong đó, nhiều nhất là thời gian thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt –Xô.
Bởi vậy, ông hiểu sâu sắc những người bạn Nga và được các chuyên gia Nga đặc biệt quý trọng. Các pháI đoàn chuyên gia Nga sang Việt Nam, dù có phiên dịch, dù ông Phan là quan chức của Bộ, họ vẫn đề nghị ông Phan làm thông ngôn.
Ông kể, có lần, ông cùng các chuyên gia Liên Xô về công tác ở đơn vị X. Ông Giám đốc đơn vị ỉ lại trong đoàn có Thứ trưởng Phan, giỏi tiếng Nga nên không cần phiên dịch. Bữa đó, trong vai thứ trưởng, kiêm phiên dịch, ông Phan bị mấy ông Tây quần cho một bữa bạc mặt, đói vàng mắt!
Nhắc đến chuyên gia Liên Xô, ông Phan cảm động: “Tôi có nhiều bạn Nga. Họ đôn hậu và quý trọng tình cảm lắm. Trong đó, anh A.Boychenko, nguyên trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô, có công rất lớn đối với ngành than. Bây giờ, một số bạn sang đây công tác, họ đều thăm tôi”.
Nói rồi ông lên gác lấy một tập ảnh, kỷ vật. Rất nhiều bức ảnh ông chụp với các thầy cô giáo Nga, chuyên gia Nga. Quả thật, gương mặt rạng rỡ của ông trong những bức ảnh ố vàng cho hay rằng, thời trai trẻ, ông thư sinh, đẹp trai, sáng láng chứ không phệ như tôi từng biết.
TôI ngỏ ý mượn mấy bức ảnh tư liệu để đăng báo, nhưng ông từ chối. Ông coi đây là những báu vật, chỉ cho chụp lại chứ cho mượn, ngộ nhỡ thất lạc ./.
Cao Thâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo