Kỳ vọng 2014: Cùng tất biến, biến tất thông
2013 đi qua với muôn vàn khó khăn trong kinh tế và đời sống, hy vọng năm 2014 đến với nhiều điều lạc quan hơn. Đó là suy nghĩ chung của mọi tầng lớp trong xã hội.
Chia sẻ suy nghĩ về thời điểm bước sang năm mới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói ngắn gọn: Bản tính người Việt là lạc quan. Năm 2013 đã hết sức khó khăn, cuối năm có vẻ khởi sắc, ta có thể lạc quan một cách thận trọng là năm 2014 mọi việc sẽ suôn sẻ hơn.
"Trong năm 2013, khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản, nợ công... dường như đã đến bước cùng, vì thế trong năm 2014, cùng tất biến, biến tất thông", ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Đừng "phớt lờ"
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ ra: Người dân lo nhiều thứ lắm, bất an và cả bất bình với tình hình tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội, đạo đức xuống cấp...
Trước tình hình sản xuất kinh doanh còn rất khó khăn trong tiếp cận vốn, tìm đầu vào đầu ra cho sản phẩm… đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, bà Tâm cho rằng kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn.
"Bây giờ làm sao đo được sự bất bình của nhân dân đối với các chính sách của chúng ta, bao nhiêu chính sách ra đời không được người dân ủng hộ. Những cái không công bằng, không minh bạch trong chính sách đang làm cho người dân giảm lòng tin", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Chính vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM kêu gọi các cấp chính quyền không chủ quan, đừng phớt lờ dư luận.
Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận thấy năm qua nhiều lĩnh vực để phát triển "quá nóng" không lường được hậu quả mà xây dựng nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ là một ví dụ điển hình.
Ông Vinh lo khi thấy nông sản Việt Nam sản lượng cao nhưng giá trị vẫn thấp vì chất lượng còn thua kém nhiều đối thủ cạnh tranh.
Nhìn vào tình hình hiện tại, ông Lê Thanh Lương, cán bộ hưu trí phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) lại trăn trở vấn đề tiết kiệm.
"Không nên lãng phí, cái gì đáng tiêu thì tiêu, không nên sĩ diện, ném tiền qua cửa sổ. Tiết kiệm là việc của cả người dân và nhà nước", ông Lương nói.
Chị Đỗ Thị Nụ (nhân viên kế toán tại Hà Nội) thì chia sẻ nỗi lo "lương không đủ sống".
"Là sinh viên mới ra trường, lương chỉ 3 triệu đồng/tháng ở một nơi mức sống cao như Hà Nội, tôi phải chắt chiu từng đồng, e dè chi tiêu, hạn chế mua sắm", chị Nụ nói.
Mong kinh tế phục hồi
Với năm 2014, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt lòng tin vào sự cần cù, chịu khó, kiên trì của người Việt Nam.
"Có thể nói rằng, tính chịu đựng của người dân mặt nào đó cũng làm cho tình hình kinh tế - xã hội bớt khó khăn. Tôi tin rằng sự đoàn kết vượt khó của người Việt sẽ là một động lực nếu Đảng và Chính phủ biết khơi nguồn đúng mạch", Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Ông Trần Ngọc Vinh bày tỏ hy vọng trong năm tới kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi: "Các doanh nghiệp sẽ trở lại ngày một đông, thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, giảm tệ nạn xã hội".
Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng nhận định: "Trong một năm ta không thể mong làm được toàn diện, nhưng phải khắc phục được những cái cơ bản, những cái lớn".
Cán bộ hưu trí Lê Thanh Lương chia sẻ "kỳ vọng lớn nhất của mình, gia đình, nhân dân trong phường và chắc cũng là của cả nước": Chúng ta sẽ quản lý đất nước một cách tốt đẹp hơn, đừng để có các hiện tượng tiêu cực.
"Dù biết là không thể tiêu diệt được hết tiêu cực, nhưng tôi mong nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, giám sát cẩn thận hơn", ông Lương nói.
Chị Đỗ Thị Nụ có một mong muốn đơn giản: Năm mới kinh tế khá hơn, tạo thêm nhiều việc làm, để các sinh viên mới ra trường bớt nỗi lo tìm việc làm, có thu nhập.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo