Tài chính - ngân hàng

Kỳ vọng gì từ Hiệp định FTA - Liên minh Kinh tế Á - Âu

(DNVN) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á-Âu ký kết tại Kazakhstan. Đây là Hiệp định mang nhiều ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế.

Trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EEUĐược chính thức khởi động tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 28/3/2013, sau khoảng 2 năm đàm phán, các bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.

Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do lần này được tổ chức nhân cuộc họp của Hội đồng liên Chính phủ của EEU ở cấp thủ tướng tại tỉnh Burabai, Kazakhstan.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) vốn có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân các nước thành viên Liên minh đã dành cho Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây và xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đoàn đàm phán hai bên trong hơn 2 năm qua để thống nhất nội dung và đi đến ký chính thức Hiệp định với nhiều điều khoản linh hoạt, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. 
Bày tỏ hài lòng trước việc Liên minh và Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do, Chủ tịch Ban thường trực Ủy ban Kinh tế Á - Âu Viktor Khristenko cho biết Hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD, được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam.

Liên minh Kinh tế Á-Âu và triển vọng trở thành trung tâm kinh tế mới

Ngày 1/1/2015, Nga và 4 nước cựu thành viên Liên Xô cũ gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã chính thức hoàn tất thủ tục cho sự chính thức ra đời của Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Liên minh Kinh tế Á-Âu được kỳ vọng sẽ đẩy tự do thương mại, phối hợp hệ thống tài chính các nước thành viên, điều tiết chính sách về công nghiệp và nông nghiệp cùng mạng lưới giao thông và thị trường lao động. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, liên minh mới sẽ có sản lượng kinh tế gộp là 4.500 tỷ USD và gắn kết 170 triệu người dân với nhau. “Hội nhập Á-Âu dựa trên lợi ích chung và tính đến các lợi ích chung”, ông Putin đã nói sau cuộc họp hôm 23/12/2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu Viktor Khristenko.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu Viktor Khristenko.

Việc thành lập Liên minh Á - Âu thay thế cho Liên minh thuế quan trước đây được đánh giá là nhằm củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên, đồng thời sẽ mang đến kỳ vọng xây dựng một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với Liên minh Châu Âu (EU), từ đây làm bệ phóng cho một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế.

Với việc tăng cường hội nhập kinh tế trong không gian giữa EU và khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng, các nước thành viên EEU đã thành lập một khối kinh tế mới, có khả năng đem lại một mô hình hợp tác bình đẳng hơn và đa trung tâm cho nền kinh tế thế giới. EEU sẽ là khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á và sẽ là một cấu trúc mở và bất kỳ quốc gia nào, không chỉ những nuớc thuộc CIS hay Liên minh Hải quan, đều có thể tham gia.

Theo các nhà kinh tế, sự hình thành EEU sẽ cho phép các nước tham gia tiến đến tầm cao hội nhập kinh tế mới. Một thị trường chung lớn nhất sẽ được hình thành trong không gian các nước hậu Liên Xô và EEU dự kiến là một trung tâm kinh tế hùng mạnh trong tương lai.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Theo đánh giá của Liên minh, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh sẽ đạt 10 – 12 tỉ đô la vào năm 2020 (so với mức 4 tỉ đô la năm 2014). Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh hàng năm sẽ tăng khoảng 18 – 20%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là hiệp định rất quan trọng. “Lần đầu tiên, Việt Nam có một hiệp định mang tính bao quát, chất lượng cao và bao gồm hầu như toàn bộ các lĩnh vực thương mại đầu tư, từ dịch vụ hàng hóa cho đến dịch vụ đầu tư, thương mại, tài chính ngân hàng, dịch vụ khoa học công nghệ, lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hoàng nói với TTXVN sau lễ ký kết.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam không nên quan niệm rằng, thị trường EEU là một thị trường dễ tính. “Đối với nhiều nước của Liên minh, trong đó có Liên bang Nga, người ta yêu cầu không kém gì một số nước phát triển về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người”, ông nói. Bộ trưởng cho rằng, đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm, nhất là đối với những mặt hàng nông sản như: chè, cà phê và một số mặt hàng nông sản khác. Bộ trưởng Công thương cho rằng, khoảng cách khá xa về địa lý là một rào cản mà nếu không có biện pháp phù hợp thì chi phí về vận tải sẽ làm tăng giá sản phẩm, gây bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam. Ông nhắc các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán về phương tiện vận tải phù hợp.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Hiểu biết của không ít doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này còn hạn chế, nhất là những nước thành viên có quy mô kinh tế nhỏ như Armenia, Kyrgyzstan thì thông tin về doanh nghiệp Việt Nam rất ít. Vì vậy, bên cạnh việc xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư thì việc nắm thông tin, khảo sát thị trường, tìm hiểu thị trường và kể cả tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng ở những nước đó rất quan trọng. Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến thị trường lớn, thị trường thuận lợi mà chưa đặt đúng mức vai trò của thị trường tuy chưa phải là lớn nhưng tiềm năng phát triển như các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu" .

Bộ trưởng cho biết, về phương thức thanh toán, hiện nay hệ thống ngân hàng của các nước EEU đang trong quá trình phát triển nhưng so với ngân hàng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì có chênh lệch. Vì vậy, khi đàm phán ký kết hợp đồng và đặc biệt về điều khoản thanh toán, các doanh nghiệp Việt Nam phải bàn rất kỹ với các đối tác của Liên minh để làm sao khi tiêu thụ hàng hóa của hay mua sản phẩm từ phía bạn không bị vướng bởi các điều khoản thanh toán, thuận lợi về giao dịch.

Có thể khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; là bước đột phá cho quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên minh. Cùng với các FTA khác, Hiệp định sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước khác thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG), mà nhiều nước trong số đó đang tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Liên minh

Thành Vinh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo