Kỳ vọng kinh tế năm 2015
Năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực, nhưng kinh tế, xã hội của đất nước vẫn phát triển ổn định, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đảng, nhà nước đã đề ra. Đó là tiền đề quan trọng để Chính phủ khẳng định, nếu nỗ lực phấn đấu và quyết tâm thì năm 2015 kinh tế - xã hội có thể đạt, vượt kế hoạch so với năm 2014.
Sẽ hoàn thành nếu nỗ lực, quyết tâm
Nhắc lại bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt việc Trung Quốc ngang nhiên, bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển của nước ta đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Nếu không có sự kiện này thì chúng ta không chỉ có 8 triệu khách du lịch mà có thể lên đến 9 triệu. Rồi cũng vì sự kiện trên mà đồng bào ta phản ứng, một số đối tượng xấu lợi dụng nên đã gây thiệt hại nặng khi có đến hơn 1000 doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu phải ngừng hoạt động. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhưng cuối cùng với sự nỗ lực, quyết tâm chúng ta vẫn hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đảng, nhà nước đã đề ra”, Thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, năm 2014 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra của năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Quan trọng hơn là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước và đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra.
Đánh giá về nhiệm vụ của năm 2015, với những mục tiêu cụ thể như, GDP tăng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP… Chính phủ cho rằng, đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng phải nỗ lực hoàn thành. Bởi đó không chỉ là yêu cầu, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XI của Đảng đề ra cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).
“Những kết quả mà chúng ta đạt được trong năm 2014 là điều kiện, tiền đề quan trọng cho thấy rằng, nếu chúng ta phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm thì năm 2015 chúng ta có thể hoàn thành được các chỉ tiêu, thậm chí đạt, vượt kế hoạch so với năm 2014”, Thủ tướng nói.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
Đề cập đến những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng cho rằng, cần phải nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đột phá thể chế...
Ngoài ra, năm 2015 Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường pháp lý để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Một nhiệm vụ nữa được Chính phủ đặt ra là phải triển khai quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng được Chính phủ xác định là quan trọng. Trong đó, tái cơ cấu phải theo hướng: Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo.
Giải pháp triệt để tiết kiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách cũng là một giải pháp hết sức quan trọng được Chính phủ xác định trong năm 2015. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần phải thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tổ chức các ngày lễ lớn đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng yêu cầu không mua xe công; đồng thời dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30 tháng 6 năm 2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện.
Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2015
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024