Lắc đầu với... khẩu hiệu
Khẩu hiệu được đọc với giọng rất rành mạch, khí thế.
Ý thức hôm nay, tương lai ngày mai - thoạt nhìn hay nghe thấy có vẻ xuôi tai thuận mắt, nhưng chỉ sau vài giây đã thấy có cái gì đó thật không ổn. “Ý thức hôm nay” thì rõ rồi, còn “Tương lai ngày mai” là sao? Tương lai đương nhiên là... thì tương lai, tức tương lai là ngày mai và ngày mai là tương lai. Cho nên khi nói “tương lai ngày mai” thì nghe rất... trớt quớt.
Có lẽ tinh thần của câu khẩu hiệu ấy nên được diễn đạt kiểu khác, ví dụ như Ý thức hôm nay, xanh tươi ngày mai thì nghe ổn hơn. Không chỉ trên VTV1, trên nhiều diễn đàn của giới trẻ, câu này vẫn được sử dụng như một “slogan thời thượng”.
Sự ngô nghê, ngớ ngẩn của ngôn từ và cách sử dụng kiểu lây lan quán tính như thế không phải là cá biệt. Chẳng hạn trong vài năm nay, đi đâu ta cũng thấy những khẩu hiệu mang dòng chữ: Nói không với... (Nói không với ma túy, Nói không với vứt rác ra đường, Nói không với bạo hành gia đình, ...).
“Nói không” hiểu nôm na là thể hiện tinh thần dứt khoát không cổ xúy, bao che, không làm điều xấu. Hiểu như thế, nhưng khi sử dụng phải tùy ngữ cảnh mà ứng biến. Thật khó chịu khi ra đường thấy những biển hiệu to đùng với dòng chữ: Nói không với hút thuốc lá nơi công cộng.
Sao lại là Nói không với hút thuốc lá nơi công cộng, mà không đơn giản hơn: Không hút thuốc lá nơi công cộng? Bởi “nói không” chỉ mới là thể hiện một vế của sự thay đổi trong tư duy, còn “không” mới thể hiện hành động cụ thể. Chữ “không” ở đây còn thể hiện sự nghiêm cấm - không hút thuốc lá nơi công cộng, không xả rác, không bạo hành gia đình...
Cũng là lấy từ 24 chữ cái mà cấu trúc nên câu chữ, nhưng việc dùng chữ như thế nào để thể hiện thông điệp, thể hiện văn hóa thì không chỉ là biết chữ mà còn phải chịu khó tư duy chữ.
Việc dùng chữ một cách cẩu thả không chỉ làm mất đi giá trị của chữ mà còn có nguy cơ làm giảm sút giá trị văn hóa và tinh thần người Việt. Như trong câu quảng cáo Thuốc nam mà hiệu quả, thì chữ “mà” đặt ở đây đã vô tình hạ thấp thuốc nam, hạ thấp người Việt, nếu như bỏ chữ “mà” thì ý nghĩa và hiệu quả sẽ khác.
Một nhà thơ đã chia sẻ với người viết rằng mỗi ngày xem tivi, nghe trên một kênh truyền hình quốc gia những từ như: quá khứ đã qua, tương lai sắp tới, tối ưu nhất, đặc thù riêng, cá tính riêng, công dân người Việt Nam... thì thấy mệt quá. Ví dụ về sự ngớ ngẩn trong cách dùng từ còn dài dằng dặc. Cho nên khi nghe câu Ý thức hôm nay, tương lai ngày mai thì thấy cái “hôm nay” và “tương lai”của việc dùng chữ Việt sao mà buồn quá!
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo