Pháp luật

Lai Châu: Người dân đào trộm đất hiếm bán cho Trung Quốc

Dùng cuốc, xẻng, thậm chí cả tay bới, người dân ngày ngày vào khai thác trộm đất hiếm tại mỏ Đông Pao (Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu).

Dùng "quái chiêu" vận chuyển quặng bán cho Trung Quốc

Đông Pao là mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn ôxít và thân quặng quý hiếm là F3 và F7.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu, cho biết, mặc dù xã Bản Hon đã tổ chức cho người dân trên địa bàn ký cam kết nếu cố tình khai thác, vận chuyển trái phép quặng đất hiếm sẽ bị xử lý nhưng hầu hết người dân không đồng ý và không ký cam kết.

Đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép quặng đất hiếm gồm cả người dân trong và ngoài xã Bản Hon. Xã Bản Hon đã thành lập hai chốt gác tại khu vực bản Chăn Nuôi và khu vực trung tâm xã, phân công các lực lượng chốt chặn 24/24 giờ.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, xã đã tạm giữ hơn 40 xe máy và hơn 8 tấn quặng đất hiếm của các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lợi dụng sơ hở, dùng mọi hình thức vận chuyển trái phép quặng đất hiếm từ mỏ ra ngoài địa bàn tiêu thụ.

Theo phản ánh của VOV, TTXVN, trung bình mỗi ngày, một người có thể khai thác từ 200 đến 300kg đất hiếm. Sau khi đã khai thác được quặng đất hiếm, các đối tượng dùng xe máy để chở đi tiêu thụ, vượt các chốt gác, ra ngoài địa bàn vào thời điểm giữa trưa hoặc ban đêm.

Các đối tượng còn vận chuyển quặng theo đường mòn tự tạo, vượt chốt gác, rồi tiếp tục dùng xe máy chở lên khu vực địa bàn thành phố Lai Châu để tiêu thụ. Mỗi kg đất hiếm được người dân bán cho các đầu nậu với giá 5.000 đồng/kg. Số đất hiếm này sau đó được bán sang Trung Quốc.

Theo Chủ tịch UBND xã Bản Hon, đối tượng vận chuyển quặng đất hiếm có rất nhiều "quái chiêu" hòng qua mắt các lực lượng làm nhiệm vụ như cất giấu quặng vào trong cốp xe máy, hòm tôn, hay giấu vào giữa balô, bao cỏ, bao ngô... Thậm chí có đối tượng còn gói cả quặng vào trong chăn giả vờ chở đồ dùng, đưa người đi bệnh viện.

Khi xã Bản Hon tổ chức lực lượng vây bắt, các đối tượng chống trả quyết liệt. Có đối tượng liều lĩnh điều khiển xe máy đâm thẳng vào cán bộ làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy.

Tại các chốt gác, các đối tượng còn tập trung đông người đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ, đòi cho xe chở quặng trái phép đi qua.

Khi bị thu giữ quặng, các đối tượng còn tụ tập đông người ra khu vực thu giữ để gây rối, ném cả đá vào nhà cán bộ xã, chửi bới cán bộ đòi lấy lại quặng...

Người dân khai thác đất hiếm ở mỏ Đông Pao.

Khó hình thành công nghiệp đất hiếm

Năm ngoái, báo Petro Times đưa tin, ở Việt Nam nguồn tài nguyên đất hiếm được đánh giá có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc, gồm các vùng Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum và Yên Bái. Tuy nhiên công nghệ khai thác còn lạc hậu, nước ta chưa khai thác hết giá trị của đất hiếm.

Năm 2010, Việt Nam được đánh giá là nước có trữ lượng đất hiếm thứ ba thế giới.

Vào tháng 10/2010, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định chọn Nhật Bản là đối tác trong việc hợp tác phát triển ngành đất hiếm Việt Nam. Đúng một năm sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Yoshihiko Noda đã ký thỏa thuận về hợp tác phát triển ngành đất hiếm Việt Nam; trong đó có đề cập đến hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm thân quặng F3+F7 mỏ Đông Pao.

Năm 1990, cơ quan chức năng đã tiến hành thăm dò các mỏ Đông Pao, Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe. Kết quả cho thấy, tổng trữ lượng cấp B khoảng 5.680 tấn và cấp C1 khoảng 2,1 triệu tấn; cấp C2 khoảng 7,7 triệu tấn.

Tuy nhiên, tổng trữ lượng đất hiếm khai thác có lãi (theo tiêu chuẩn đánh giá của Liên hợp quốc) thuộc cấp R-1-E (được thăm dò ở mức chi tiết và nếu khai thác phải có lãi) của Việt Nam chỉ có khoảng 1 triệu tấn.

Theo GS.TS Phùng Viết Ngư (Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam), mặc dù công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng cũng như công tác nghiên cứu từ khai, tuyển đến chế biến và ứng dụng đất hiếm đã thu được nhiều kết quả tốt nhưng Việt Nam vẫn rất khó để xây dựng và hình thành công nghiệp đất hiếm.

Tại Việt Nam hiện chỉ có duy nhất Công ty CP đất hiếm Lai Châu khai thác quặng đất hiếm với qui mô nhỏ, một vài cơ sở sản xuất fero chắp vá, thời vụ không chuyên, có hàng ngàn tấn quặng đất hiếm monazite thu được khi tuyển quặng titan ven biển chất kho chưa được chế biến sử dụng…

Đánh giá về tình hình thực hiện định hướng phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh thực tế khó khăn hiện nay (cung vượt cầu, giá đất hiếm rất thấp, trong nước không có nhu cầu), chủ yếu phải dựa vào hợp tác khai thác, chế biến và tiêu thụ với đối tác… Vì vậy tiến độ khai thác và chế biến đất hiếm khó thực hiện được như tiến độ đề ra trong quy hoạch bởi những lý do như: Chi phí sản xuất, chế biến đất hiếm tại Việt Nam cao hơn một số nơi khác do hạ tầng cơ sở thấp kém, sản lượng thấp.

Tuy là nguyên liệu hiếm nhưng thị trường đất hiếm rất nhỏ bé, chỉ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, khai thác, chế biến đất hiếm chứa đựng nguy cơ ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm phóng xạ từ đất hiếm rất cao.

Theo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo