Lai Châu: Nhiều người dân không dám ăn gạo cứu đói vì nghi có hóa chất
Gạo mốc, có mùi lạ…
Ngày 22/3/2016, UBND tỉnh Lai Châu có công văn hỏa tốc 464/UBND-VX thống nhất về việc hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân tái định cư thủy điện Bản Chát và Huội Quảng ở hai huyện Than Uyên và Tân Uyên.
Trong công văn nêu rõ là hỗ trợ bằng gạo tẻ thường, 20kg gạo /người/ tháng, hỗ trợ 2 năm, mỗi năm hỗ trợ 6 tháng, chia làm 2 đợt mỗi đợt 3 tháng. Và đến tháng 6/2016, UBND huyện Than Uyên cấp phát gạo cứu đói cho bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, khi nhận được gạo cứu đói, người dân nơi đây lại không dám ăn bởi chất lượng gạo không bình thường. Gạo có dấu hiệu mốc, có mùi lạ, cho lợn gà ăn thì chết hoặc đi ngoài…
Những người dân nơi đây cho biết, gạo được đựng trong các bao tải trắng tinh và loại gạo đựng trong bao tải có in hình hai bông lúa, không có nhãn mác, xuất xứ…
Gạo mốc và xuất hiện những cục hóa chất gây mùi khó chịu.
Ông Tòng Văn Học (Bản Chít 1, khu TĐC Nậm Sáng 2, xã Phúc Than, huyện Than Uyên) cho biết: Khi nhận được gạo cứu đói thì gia đình có sử dụng hơn một bao nhưng không thể ăn được nên phải đi đổi gạo này lấy cá giống và bán cho những người nấu rượu.
Cũng theo ông Học, gạo không thể ăn được vì mối mọt, có mùi chua và khó chịu như mùi hóa chất. Khi vo gạo này nấu cơm thì lấy nước vo cho lợn ăn thì vài hôm sau lợn chết, khi cho gà ăn thì vài hôm sau gà cũng chết.
Ông Mè Văn Chài (Trưởng bản Chít 1) cũng xác nhận sự việc cho biết thêm, nhà ông cũng không dám ăn và phải nấu cho lợn ăn hết vì gạo mốc, mối mọt, có mùi khó chịu..
Ông Lò Văn Ninh cùng một số người dân ở bản Nậm Mu, xã Mường Cang, Than Uyên cũng phản ánh: Gạo tính giá 14000 đồng/ kg mà không ăn được. Gạo cứng và khi ngâm nước để lâu thì có màu đỏ hoặc xanh.
Nếu nấu cho lợn ăn thì lợn bị đi ngoài. Nếu dừng không cho lợn ăn loại gạo này thì lợn trở lại bình thường. Những người dân ở đây nghi ngờ rằng gạo này để lâu và có thuốc hay hóa chất, thông thường khi vo gạo thì nước vo sẽ có màu trắng sữa đục nhưng gạo này vò thì nước trong, không trắng đục như nước vo thông thường.
Chính quyền không nắm được?!
Người dân phản ánh như vậy nhưng ông Nguyễn Trọng Hiệp (Chủ tịch UBND xã Phúc Than, Than Uyên) lại cho rằng không có chuyện đó và cũng không nghe thấy ai phản ánh sự việc như trên.
Duy nhất có 4 hộ hôm nhận gạo cứu trợ đã phát hiện gạo mốc và được đổi luôn. Còn ông Lìm Văn Tiến (Chủ tịch xã Mường Cang) cho biết: Hôm đó ông không trực tiếp phát gạo nên không biết và không nghe thấy phản ánh gì cả.
Để làm rõ hơn thông tin về chất lượng gạo cứu đói mà người dân phản ánh, PV đã làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Than Uyên. Ông Bùi Văn Chính, Nguyên Phó trưởng ban phụ trách di dân TĐC và hiện đang phụ trách các phần còn lại của việc di dân TĐC huyện Than Uyên cho biết: Việc gạo mốc đến thời điểm này là đương nhiên.
Hiện chưa nhận được báo cáo từ các xã về việc này. Trước đây cũng nghe phản ánh và có cử cán bộ xuống kiểm tra và có biên bản kiểm tra về việc trên. Việc cấp gạo đều được kiểm tra và nấu thử cho mọi người cùng ăn.
Theo hai biên bản kiểm tra thì không có nội dung phản ánh về chất lượng gạo. Tuy nhiên có xác nhận việc các hộ dân nhận được gạo trong bao bì trắng tinh hoặc có hình bông lúa không nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, trong biên bản cũng có ghi rõ việc công ty cung cấp gạo đang cấp phát gạo thì “hết gạo nên công ty đã lấy gạo của đơn vị khác để cấp”.
Bao bì gạo chỉ có biểu tượng, không ghi nguồn gốc xuất xứ.
Bao bì trắng tinh không ghi bất kỳ một thông tin về nguồn gốc xuất xứ.
Cũng theo những tài liệu mà Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Than Uyên cung cấp thì gạo cứu đói tại huyện Than Uyên đợt 1 thông qua hình thức đấu thầu, do hai liên danh nhà thầu là công ty Sao Sáng - Anh Hoa và công ty Bằng An - Châu Giang cung cấp.
Ông Chính cho biết, Ban đã đưa ra những tiêu chí về gạo rất rõ ràng về chất lượng trong hồ sơ mời thầu, cụ thể là gạo tẻ thường theo Tiêu chuẩn Việt Nam số 5644/2008, kèm theo những thông số kỹ thuật và có kiểm tra và thử nghiệm.
Mẫu kiểm nghiệm của công ty khác được đưa vào trong hồ sơ nguồn gốc xuất xứ của gạo 5451.
Những tài liệu mà Ban Quản lý dự án cung cấp thì không hề có giấy chứng nhận số gạo cứu đói này đạt tiêu chuẩn Việt Nam số 5644/2008 và những thông số kỹ thuật kèm theo, mà chỉ có phiếu kiểm nghiệm loại gạo 5451 của 2 công ty ty Bằng An - Châu Giang và hàng loạt phiếu kiểm nghiệm của một công ty khác có địa chỉ ở Hà Nội, không liên quan đến gói thầu cung cấp gạo tại huyện Than Uyên.
Tại hai hợp đồng cung cấp gạo giữa Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Than Uyên và hai nhà thầu liên danh không ghi rõ loại gạo và theo tiêu chuẩn nào.
Tiêu chí yêu cầu kỹ thuật về loại gạo mà Ban Quản lý dự án đưa ra.
Gạo do công ty Châu Giang mua là loại gạo dẻo, không ghi cụ thể loại gạo dẻo nào.
Về nguồn gốc xuất xứ của số lượng gạo cứu đói thì tại thời điểm làm việc với PV, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Than Uyên chỉ đưa ra được duy nhất hóa đơn mua gạo của công ty TNHH một thành viên thương mại và xây dựng Châu Giang với số lượng 72721kg gạo nhưng chỉ ghi là gạo dẻo chứ không phải gạo 5451.
Còn hóa đơn và nguồn gốc xuất xứ của lô gạo cứu đói của công ty Bằng An - Sao Sáng - Anh Hoa thì không có, khi PV yêu cầu cung cấp thì được biết là… không tìm thấy.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo