Vài ngày qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động VND. Động thái này khiến thị trường hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm.
Theo biểu lãi suất huy động VND mới của Vietcombank công bố hôm 7/10, lãi suất huy động VND đã giảm đến 0,5% ở một số kỳ hạn. Cụ thể, thay vì mức 6,8%/năm như trước, ngân hàng này đưa lãi suất đối với kỳ hạn từ 24 tháng đến 60 tháng xuống 6,3%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trong biểu lãi suất. Kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất 6,2%; kỳ hạn 6 và 9 tháng đều có lãi suất 5,5%/năm; kỳ hạn 1 và 2 tháng là 4,5%/năm. Riêng kỳ hạn 3 tháng được hưởng lãi suất 5%/năm. Sau đó 1 ngày, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới, trong đó các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống có mức cao nhất là 6,8%/năm dành cho kỳ hạn12 tháng. Các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng còn 5-5,5%/năm.
Trước đó, hồi cuối tháng 9, BIDV, MB, Agribank, Abbank cũng đã giảm 0,2-0,3%/năm đối với lãi suất huy động VND.
Đây là đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND thứ 3 kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, các mức lãi suất trên đã bỏ xa mức trần 6%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Việc lãi suất huy động giảm sẽ là động lực để giảm lãi suất cho vay, dù nhiều nhận định cho rằng việc giảm lãi suất trên chủ yếu để ngân hàng cải thiện lợi nhuận hơn là giảm lãi suất cho vay, bởi hiện nay chênh lệch lãi suất huy động-cho vay của hệ thống ngân hàng ở mức thấp. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, các ngân hàng thương mại vẫn tung ra chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Chẳng hạn, từ tháng 9, Abbank triển khai gói 500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hằm hỗ trợ nguồn vốn sản xuất kinh doanh dành riêng cho các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bao gồm khách sạn, nhà hàng du lịch, đơn vị lữ hành, đơn vị kinh doanh quà lưu niệm, đặc sản địa phương... Khi vay vốn tại Abbank, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 7%/năm cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 24 tháng) và tối thiểu 10%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Baovietbank thực hiện gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ-SMEs (là những doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 300 người hoặc nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng). Chương trình sẽ kéo dài đến hết 31/12/2014 hoặc khi giải ngân hết hạn mức chương trình. Khách hàng SMEs tham gia chương trình này sẽ được hưởng mức lãi suất 6,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa cuối năm, SeABank đang triển khai chương trình ưu đãi “Nhập khẩu ngay hưởng lãi suất bất ngờ 5%/năm” cho các doanh nghiệp nhập khẩu tham gia sử dụng sản phẩm “Cho vay VND lãi suất ngoại tệ”. Tham gia chương trình này, khách hàng sẽ được hưởng những ưu đãi lãi suất vay VND 5%/năm cho toàn bộ thời gian của khoản vay trong thời hạn tối đa 6 tháng. Seabank cũng đang triển khai chương trình cho khách hàng cá nhân vay mua ô tô mới hoặc cũ với lãi suất chỉ 1,5%/năm trong 3 tháng đầu khoản vay hoặc 7%/năm cho 6 tháng đầu của khoản vay. Thời gian vay vốn lên đến 10 năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực giảm; đến ngày 18/9/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013. Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Một số ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm.
Tại buổi trả lời chất vấn phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có xu hướng tiếp tục giảm nhưng giảm ở mức thấp.
Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Việt Nam quý 4 năm 2014 vừa được Vụ dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố, có tới 85%-88% TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục duy trì ổn định hoặc giảm trong 3 tháng cuối năm 2014, trong đó 43-51% TCTD kỳ vọng không đổi, 35% kỳ vọng giảm lãi suất huy động và 44% kỳ vọng giảm lãi suất cho vay với mức giảm bình quân tương ứng là 0,12%/năm và 0,22%/năm so với cuối quý 3/2014. Tính chung cả năm 2014 so với cuối năm 2013, 90% các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều duy trì ổn định hoặc giảm với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng là 0,93%/năm và 1,14%/năm.
Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất cho vay VND được hầu hết các nhóm TCTD dự báo giảm nhiều hơn mặt bằng lãi suất huy động vốn VND trong quý 4 năm 2014 và trong cả năm 2014.
Theo Hà Nội mới