Lãi suất huy động khó giảm thêm
Theo số liệu của NHNN, huy động vốn của các TCTD trong năm 2013 tăng tới hơn 18% trong khi tín dụng nỗ lực cũng chỉ đạt xấp xỉ 12%, chứng tỏ hệ thống đang đối mặt với tình trạng dư thừa vốn.
Tưởng rằng thừa tiền, các nhà băng sẽ chú trọng tìm đầu ra, tuy nhiên ngay từ những ngày đầu năm 2014, các “chiêu” hút khách gửi tiền lại được triển khai ồ ạt. Các chương trình khuyến mại được áp dụng triệt để, từ tặng thẻ cào trúng tiền mặt, bộ cốc chén, bình hoa, áo mưa, bát đĩa cho đến quay số trúng thưởng xe máy, ô tô, chuyến du lịch….
Bên cạnh đó một số ngân hàng vẫn còn nhận tiền gửi với mức lãi cộng kèm theo cho các khoản tiền gửi lớn. Không khó để bắt gặp những lời mời người gửi tiền với mức cộng lên tới 0,5 – 0,8% cho các khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 1 tháng, hay 1% cho các khoản tiền trên 1 tỷ đồng từ các cán bộ kinh doanh ở nhiều ngân hàng thời điểm hiện nay.
Theo một chuyên gia tài chính, số liệu là vậy, nhưng thực sự các nhà băng có thừa tiền hay không thì rất khó xác định. Thực tế, không ngân hàng nào lại chê tiền, vì mức lãi suất dao động từ 7 – 8%/năm hiện nay là quá rẻ, nếu so với lạm phát thì người gửi tiền hầu như chẳng lợi là bao nhiêu, trong khi đó ngân hàng cứ một mực than khó đẩy vốn nhưng họ vẫn có cách để làm cho đồng tiền không chỉ sinh lời mà còn mang về khoản lãi nghìn tỷ.
Quả thực, trong năm 2013, các ngân hàng lớn nhỏ đều kêu khó cho vay nhưng khi tổng kết cuối năm đều báo cáo tăng trưởng ấn tượng hơn kế hoạch (Vietcombank tăng trưởng tín dụng 14,5%; Sacombank đạt 14,6%; Vietinbank tăng 14,7%; BIDV đạt 16,7%; Navibank trong diện bắt buộc phải tái cơ cấu vẫn tăng tín dụng 4,6%...). Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vẫn ở được các ngân hàng duy trì ở mức tương đối cao, từ 3 – 5% theo các chuyên gia và doanh nghiệp còn 2-3% theo lời của các lãnh đạo ngân hàng.
Trở lại việc huy động vốn hiện nay, dạo quanh một loạt các ngân hàng cho thấy, các giao dịch viên và cán bộ kinh doanh đều khuyên người dân nên gửi tiền kỳ hạn 3 tháng - 6 tháng trở lên. Theo lý giải của những cán bộ này thì lãi suất có thể sẽ giảm thêm nên người gửi tiền nên gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi cao. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, người gửi tiền phần lớn ưa chuộng các kỳ hạn ngắn hơn là kỳ hạn dài bởi tâm lý của nhiều người vẫn dè chừng với biến động của lãi suất cũng như diễn biến giá vàng và bất động sản.
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội thừa nhận, việc tư vấn cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài là “trách nhiệm” của các cán bộ ngân hàng để giữ chân khách trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Thực tế thì khả năng lãi suất huy động xuống thấp hơn nữa là rất khó.
Vị giám đốc này thậm chí còn cho rằng nếu như NHNN cho thả nổi lãi suất các kỳ hạn ngắn thì sẽ khó tránh một cuộc đua huy động khá mạnh giữa các ngân hàng vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm 2014 dự báo sẽ cao hơn hơn rất nhiều so với năm trước.
Cùng chung quan điểm này, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng trong nước và nước ngoài cũng cho rằng lãi suất huy động không thể giảm thêm nữa khi mà lạm phát có tín hiệu tăng trở lại cùng sự khởi sắc của nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý, các lãnh đạo cũng nhận định lãi suất nhìn chung sẽ ổn định. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết trong năm nay, NHNN sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam. Nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các TCTD cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng trần lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục ổn định như hiện nay.
TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thì lưu ý, với mục tiêu giữ lạm phát là 7% thì lãi suất chưa thể xuống được mà nếu có xuống thì cũng không đáng kể.
NHNN cho biết, thời điểm đầu năm 2014, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần có thanh khoản tốt, lãi suất huy động thấp hơn trần lãi suất theo quy định của NHNN. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của các TCTD phổ biến: Lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-8,5%/năm. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng