Lãi suất loạn cào cào thời ế vốn
Có ngân hàng giữ chân khách gửi tiền với lãi suất tiết kiệm treo tận 9,5%, thì ngân hàng khác chỉ trả 5%/năm cho kỳ hạn ngắn, thấp kỷ lục trong toàn "chợ" - chung quy vẫn là câu chuyện khó dễ tùy người.
Nơi giảm mạnh, nơi cao chót vót
Sau đợt giảm nhẹ lãi suất hồi cuối tháng 2, các nhà băng đang tiếp tục đưa ra thông báo giảm tiếp lãi suất ở các kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn với mức giảm từ 0,7-1%/năm.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm được Sacombank áp dụng từ ngày 11/3, thì kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng tại nhà băng này lần lượt còn 6,25% và 6,3%/năm.
Trong vòng 1 tháng, Eximbank liên tiếp 3 lần thông báo giảm lãi suất tiền gửi bằng VNĐ đối với kỳ hạn gửi 3 tháng trở xuống. Từ ngày 12/3, các kỳ hạn gửi dưới 3 tháng đều giảm 0,7% so với cuối tháng 2. Cụ thể, kỳ hạn một tháng chỉ còn 5,8%/năm; kỳ hạn gửi 2 tháng và 3 tháng giảm mạnh về mức 5,9%/năm và 6,1%/năm.
Ghi nhận mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay thuộc về Vietcombank với kỳ hạn gửi 1 tháng chỉ còn 5%/năm.
Trong khi các nhà băng lớn đều đã bắt đầu giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn gửi ngắn để tiết kiệm chi phí, thì ngược lại, các ngân hàng nhỏ vẫn giữ lãi suất gửi ở mức cao để hút thêm tiền gửi và níu chân khách hàng. Đơn cử như, TPBank đưa ra mức lãi 9%/năm đối với kỳ hạn gửi 12 tháng (cho các khoản tiền gửi lớn 100 tỷ đồng trở lên, cam kết không rút trước hạn). Mức lãi này cũng được BacABank, GPBank “căng” ở tất cả các kỳ hạn gửi trên 12 tháng.
Cá biệt, lãi suất cao nhất thị trường hiện nay có thể kể tới PGBank, khi nhà băng này vẫn duy trì mức lãi tiền gửi VND cao nhất tới 9,5%/năm.
Trao đổi với Infonet, ông Phạm Thiện Long - Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, hiện tại thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, nên căn cứ vào giá vốn của mình, mỗi nhà băng đưa ra mức giảm khác nhau.
“Hầu hết các ngân hàng đều cần nguồn vốn huy động dài hạn (trên 6 tháng) nên giảm lãi suất các kỳ hạn gửi ngắn để cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi” – ông Long cho biết.
Giám đốc khối nguồn vốn một NHTMCP cỡ vừa thì nhận định, chuyện các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất là điều dễ hiểu khi lạm phát thấp, các ngân hàng vẫn còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất.
Còn chuyện có nhà băng đi ngược xu thế khi vẫn giữ giá vốn huy động cao, ông lý giải, có thể số này vẫn muốn hút thêm lượng tiền gửi từ người dân, nhưng nếu lạm phát vẫn duy trì mức thấp và đầu ra không mấy cải thiện thì họ sẽ phải giảm theo thị trường. “Cắt giảm chi phí là cách tốt nhất cho các nhà băng hiện nay” – ông nói.
Không nới điều kiện, đầu ra còn tắc
Dù là một doanh nghiệp lớn kinh doanh thương mại trên địa bàn Thủ đô, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Hapro chia sẻ, hiện các doanh nghiệp vẫn phải vay ở mức 11-12%/năm, mức này cao hơn các nước trong khu vực từ 4-5%. Theo ông Sơn, dù đã giảm nhẹ nhưng lãi suất huy động phải giảm theo lạm phát thì lãi vay mới có cơ giảm theo. Ngoài chuyện lãi vay cao thì điều khiến vị Tổng giám đốc Hapro trăn trở, là điều kiện vay của ngân hàng vẫn quá khắt khe khiến doanh nghiệp không dám “ngó ngàng” tới. Với những doanh nghiệp lớn như Hapro được vay tín chấp 100%, nhưng với đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay để vay được vốn quả là quá khó.
Hiện các ngân hàng đều đưa ra điều kiện vay dựa trên tài sản thế chấp, kinh tế quá khó khăn doanh nghiệp trụ được tới lúc này đã là quá giỏi, còn đâu tài sản mà đem thế chấp để vay.
Chia sẻ với Infonet, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị điện trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) nói thẳng, dù lãi suất đang rục rịch giảm thì ông cũng không mong sẽ vay được lãi rẻ.
“Đầu vào mới rục rịch hạ, nhưng để lãi suất cho vay ra giảm phải mất thêm một thời gian nữa. Chúng tôi hiện giờ không trông chờ vào vốn vay ngân hàng, mà tự lực cánh sinh thôi” – vị Giám đốc chia sẻ.
“Tự lực cánh sinh” theo vị giám đốc này, chính là huy động vốn từ chính “nội lực” cổ đông của công ty, thay đổi phương thức kinh doanh, thu hồi công nợ từ phía đối tác để dòng vốn xoay chuyển nhanh hơn.
Thực tế, chuyện nhà băng thừa tiền, huy động vào nhưng vay ra nhỏ giọt thể hiện rất rõ ở con số tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm tới 1,66%. Dòng vốn bế tắc, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho thấy doanh nghiệp không muốn vay thêm, nghĩa là đầu ra của doanh nghiệp – sức mua của nền kinh tế còn yếu.
Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp muốn vay thêm lại không được gây mất niềm tin đối với ngân hàng, do thực lực đã hao mòn trong khủng hoảng. Trong khi khẩu vị rủi ro của ngân hàng cũng không còn cao như trước thì cũng không loại trừ khả năng có doanh nghiệp cố ý chờ lãi suất giảm thêm nữa sau thông điệp của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất sẽ giảm 1-2% trong năm nay.
Ngoài chuyện giảm lãi suất để dòng tín dụng đỡ “tắc” trong thời gian tới, ông Vũ Thanh Sơn hiến kế, ngân hàng cần nới lỏng điều kiện cho vay dựa trên năng lực sản xuất, phương án sản xuất kinh doanh, độ tín nhiệm của doanh nghiệp hơn là chỉ dựa vào tài sản thế chấp.
“Bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa tài sản thế chấp không còn, hồ sơ vay nộp vào ngân hàng lại qua vài ba vòng xét duyệt nữa nên số tiền vay được rất ít, không đủ để trang trải” – ông Sơn chia sẻ.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dược Lâm Đồng LDP liên tiếp bị xử phạt
Sức hút từ condotel và chung cư cao cấp
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều thách thức
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới vào năm 2043
FPT ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Cột tin quảng cáo