Lãi suất thấp chưa tới doanh nghiệp
Ngày 28/6, tại buổi lắng nghe ý kiến doanh nghiệp do Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức, các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều kêu nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục phải vay lãi suất rất cao dù thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu...
Vẫn vay 17%-18%/năm
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, lãi suất thực tế các doanh nghiệp đang phải vay từ 15%-17%/năm, thậm chí mỗi ngân hàng còn có “hàng rào kỹ thuật” riêng nên doanh nghiệp không thể nào vay nổi lãi suất thấp. Ngân hàng chỉ muốn cho vay những doanh nghiệp tốt nhưng họ không muốn vay. Ngược lại, với doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải “cầu cứu” nguồn vốn ngân hàng để tiếp tục tồn tại lại bị ngân hàng từ chối.
“Nếu ngân hàng cứ khăng khăng đòi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp mới cho vay, bất chấp dự án tốt đến thế nào, dù lãi suất hạ thêm nữa, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được” - ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ Mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh, nhận xét.
Theo ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận, không chỉ khó vay lãi suất thấp do vướng nợ xấu, có doanh nghiệp còn bị ngân hàng dùng nợ xấu của doanh nghiệp làm lý do áp dụng mức lãi suất cho vay cao.
Khách VIP cũng bị “chém” đẹp Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Thạnh - TP. Hồ Chí Minh, khách hàng VIP của ngân hàng S. chi nhánh Gò Vấp, kể: Mới đây, bà tiếp tục đến ngân hàng này vay ngắn hạn, bổ sung vốn kinh doanh nhưng ngân hàng này đã đưa ra lãi suất 18%/năm. Bà Thúy cho rằng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động vốn từ 6%-9% là bất hợp lý (hiện lãi suất huy động vốn của các ngân hàng phổ biền từ 9%-12%/năm) nên đề nghị ngân hàng giảm thêm lãi suất nhưng không được chấp nhận. Điều bà Thúy bức xúc là nhiều năm trước khi lãi suất đầu vào tăng mạnh, ngân hàng này yêu cầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, bà đều chấp nhận dù thời gian vay chỉ mới một tháng. Nay bên vay đề nghị giảm lãi suất với lý do hợp lý thì ngân hàng lại từ chối thẳng thừng. “Vì thế, tôi quyết định nghỉ giao dịch với ngân hàng này”- bà Thúy nói. Chủ doanh nghiệp này cũng kể sau đó bà đến một số ngân hàng khác để vay vốn thì lãi suất cho vay cũng lên tới 17,5%/năm... Tuy nhiên, tại một ngân hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh, bà đã vay được vốn ngắn hạn với lãi suất 13,15%/năm. |
Đừng để “chết” rồi mới cứu!
“Cách đây khoảng hai tháng, doanh nghiệp kêu ca rất nhiều nhưng hiện tại họ không kêu nữa. Không phải tình hình đã tốt hơn mà sức chịu đựng của doanh nghiệp không còn! Nhiều doanh nghiệp không sản xuất nhưng cũng không kêu ca, chỉ khi hiệp hội xuống tận nơi mới biết họ đã tạm ngưng hoạt động” - ông Trần Quốc Mạnh lo lắng.
Ông Mạnh cũng cho hay nhìn vào con số xuất khẩu ngành đồ gỗ mỹ nghệ thấy tăng, kim ngạch tăng nhưng thực sự các doanh nghiệp đang phải chấp nhận không lãi, thậm chí lỗ, để hoạt động cầm chừng giữ thị trường. Bởi nếu doanh nghiệp xuất khẩu ngưng lại hợp đồng nghĩa là những đơn hàng tiếp theo sẽ không về và doanh nghiệp phải đóng cửa.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay để đảo nợ là chính nhưng tài sản thế chấp không còn để có thể vay tiếp. Vì vậy, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các doanh nghiệp được vay đảo nợ với mức lãi suất hiện hành (thay vì mức trên 20% như trước) giúp doanh nghiệp giảm số lãi phải trả hằng tháng, tập trung sản xuất kinh doanh tốt hơn.
“Về phía các ngân hàng thương mại nên công khai điều kiện cho vay, mức lãi suất, thủ tục vay và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp có thể thế chấp bằng L/C, nguồn thu hay hàng tồn kho…” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, cho rằng các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn Thành phố nên đưa ra những trường hợp doanh nghiệp khó khăn cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để Thành phố có hướng tháo gỡ.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo