Lãi suất vay thấp nhưng tổng mức phải trả lại cực cao.
(vov) Nhiều chương trình cho vay tiêu dùng đã được đưa ra nhằm kích thích mua sắm. Thực chất của những chương trình này ra sao, liệu có phù hợp với điều kiện, nhu cầu và khả năng chi trả của mọi cá nhân và gia đình hay không?
“Bẫy khách hàng bằng vay lãi suất hấp dẫn?
Nhiều người chỉ khi vay rồi mới giật mình hoảng hốt, bởi nếu tính kỹ thì họ phải trả lãi suất đến khoảng gần 300%. Nhưng do không tìm hiểu kỹ trước khi vay nên đành chịu đựng.
Anh Đinh Ngọc Đăng, nhà ở tổ 18, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, kể cách đây 2 năm, anh có vay tín chấp của Công ty Tài chính Prudential 22 triệu đồng sau khi được nhân viên công ty gọi điện mời vay với lãi suất chỉ 18%/năm.
Do không đọc kỹ hợp đồng cũng như đang cần tiền nên anh đã đồng ý vay trong vòng 3 năm. Thế nhưng, sau khi vay anh mới ngã ngửa: lãi suất mà nhân viên tư vấn nói là theo năm, còn trong vòng 3 năm, anh Đăng phải trả 860.000 đồng nhân với 36 tháng, số tiền lên tới hơn 30 triệu. Anh Đăng bức xúc cho rằng, cho vay như vậy là “cắt cổ” khách hàng. Nguyên nhân là do nhân viên cho vay đã mập mờ khi tư vấn cho khách hàng.
Còn chị Nguyễn Thị H. ở phố Đội Cấn, Hà Nội cho biết, nhà chị vay 50 triệu của công ty này được gần 1 năm nay. Do không đọc kỹ hợp đồng nên khi vay đã bị trừ hơn 2 triệu tiền bảo hiểm khoản vay. Sau đó, mỗi tháng chị phải trả 2.263.000 đồng. Như vậy khi vay tiền chị cầm về hơn 47 triệu, giờ tính đủ 3 năm chị phải trả 81.468.000 đồng.
Vay đã khó, trả còn khó hơn
Anh Đăng kể, khi biết lãi suất cao quá, anh đã cố gắng vay bạn bè để trả dần tuy nhiên, sau 4 tháng trả tiền hàng tháng, không hiểu Công ty tính kiểu gì mà hầu như anh phải trả nguyên số tiền anh đã vay trước đó 6 tháng.
Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung Việt Nam, người vay cần quan tâm đến tính an toàn khi đi vay, do vậy chỉ nên vay của những tổ chức tài chính chính thức như các ngân hàng hoặc các công ty tài chính là những tổ chức hoạt động cho vay đúng pháp luật, người vay được bảo vệ bởi những quy định của Nhà nước.
Trước mối băn khoăn: Trong các gói vay tiêu dùng, nếu khách hàng không còn nhu cầu vay nữa thì có được thanh lý hợp đồng trước thời hạn hay không? Nếu kết thúc sớm có bị phạt hay không? Về vấn đề này, ông Friedrich Weiss, Tổng Giám đốc Cty TNHH tài chính PPF Việt Nam cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích khách hàng kết thúc sớm các khoản vay. Tuy nhiên, nếu các bạn đã hoàn tất thanh toán bốn kỳ liên tiếp, bạn có thể nộp hồ sơ kết thúc sớm hợp đồng. Bạn sẽ phải trả một khoản phí phạt cho tổ chức tín dụng, vì khi bạn kết thúc sớm hợp đồng, kế hoạch tài chính của tổ chức cho vay cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Hiện nay, có nhiều chương trình của Chính phủ và ngân hàng công bố những gói lãi suất ưu đãi rất tốt. Tuy nhiên, việc vay được vốn với lãi suất ưu đãi phụ thuộc vào mục đích vay. Đối với người dân vay tiêu dùng, tùy vào tài sản thế chấp, mức thu nhập và mục đích vay thì mới xác định được mức lãi suất mà mình có thể vay được.
Cụ thể, nếu vay mua nhà có tài sản thế chấp và chứng minh được thu nhập tốt thì người vay có thể được vay ở mức lãi suất từ 8 – 11%/năm tùy dự án. Trong khi, nếu vay tiêu dùng như mua xe gắn máy, tivi, không có tài sản thế chấp thì người vay phải chịu lãi suất có thể lên đến 30%/năm.
Với tính cạnh tranh của thị trường, hầu như sẽ khó có tổ chức tín dụng nào có mức cho vay thấp hơn đáng kể so với tổ chức khác. Do vậy, thay vì tìm kiếm tổ chức có lãi suất thấp nhất, khách hàng nên chọn lựa tổ chức nào có chính sách chăm sóc khách hàng tốt và có chương trình vay phù hợp với mục tiêu của mình (số tiền vay, thời gian thanh toán, những điều kiện cho vay…).
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, khách hàng cần phải đọc kỹ trước khi ký hợp đồng tín dụng nói riêng và hợp đồng kinh doanh nói chung. Bởi vì, một khi đã kỹ thì xem như đồng ý mọi điều khoản trong hợp đồng. Khi đó, nếu bất kỳ nội dung nào không đúng như ý của chúng ta hiểu thì việc hủy hợp đồng đều gặp bất lợi về pháp lý, trừ khi có những điều khoản trái với quy định chung của pháp luật.
Đối với hợp đồng tín dụng, điều khoản vay và trả vốn cùng lãi là quan trọng nhất. Khi khách hàng tìm hiểu nếu chưa rõ cần nhờ người tư vấn có chuyên môn giải thích rõ ràng.
Mai Khôi
End of content
Không có tin nào tiếp theo