Lãi vay tiêu dùng tới 84%/năm, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm gì?
Thời gian qua, tình trạng lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính cao ngất ngưởng đã khiến nhiều người vay tiền của các tổ chức này bức xúc.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), người tiêu dùng thường mắc bẫy các công ty tài chính do bị bưng bít nhiều thông tin. Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty này cao nhất lên tới trên 84%/năm, động thái đó không khác gì “móc túi” người vay, trong khi lãi suất ngân hàng cao nhất cũng chỉ 20%/năm.
Theo khiếu nại của người tiêu dùng, nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phản ánh và làm việc với đơn vị tài chính.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật TNHH Bross & Partners cho biết, do cho vay tiêu dùng chủ yếu là các khoản vay nhỏ lẻ, thời gian vay ngắn nên tính rủi ro cao và lãi suất ở mức cao hơn so với các hình thức cho vay thông thường. Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn thì lãi suất quá hạn còn có thể cao hơn nữa.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi, các tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận với nhau về lãi suất trên cơ sở cung cầu vốn, mức độ tín nhiệm của khách hàng mà không bị giới hạn về trần lãi suất; không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay như quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Khi cho vay, các tổ chức tín dụng cần xem xét các quy định của Ngân hàng, bởi tùy từng thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước có thể khống chế trần lãi suất cho vay, nếu mức cao hơn trần này có thể bị coi là vi phạm pháp luật.
Ông Bách cho rằng, việc các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao đã được sự đồng thuận của khách hàng nhưng phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp để tránh những sai phạm không đáng có. Người tiêu dùng trước khi đặt bút ký hợp đồng vay cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin về khoản vay, nghiên cứu kỹ các nội dung của hợp đồng, nắm bắt thật chính xác và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, để tránh những rủi ro và tranh chấp pháp lý sau này.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, NHNN đã có động thái bỏ trần cho vay đối với lãi suất huy động của các ngân hàng, do đó không có cơ sở để quy kết, bắt lỗi hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, mà chỉ có thể khống chế các lĩnh vực cho vay ưu tiên như nông nghiệp, công nghệ cao…
Chuyên gia kinh tế này cho hay, NHNN không trực tiếp can thiệp vào hoạt động cho vay và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lại đang thực hiện việc phân loại quản lý ngân hàng, đó là phân loại nợ của các ngân hàng thương mại, kiểm soát các hành vi không lành mạnh, đặc biệt là các kỳ trả nợ và khả năng hoàn vốn của ngân hàng.
Nếu các ngân hàng nào cho vay tiêu dùng quá cao, NHNN sẽ thực hiện việc xếp loại vào nhóm cần kiểm tra kiểm soát, nhóm đặc biệt nguy hiểm, theo đó sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.
Hiện nay, các hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính có xu hướng lách luật và rất kín kẽ, không ghi rõ lãi suất là bao nhiêu hoặc ghi ở mức độ thấp hoặc chỉ ghi tổng số tiền vay mà khách hàng phải trả. Với những cách làm này, NHNN không có cơ sở để bắt lỗi.
“Nếu cho vay với lãi suất quá cao sẽ tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính, Đặc biệt với hoạt động tài chính chung của đất nước thì đây là trách nhiệm của NHNN. Cho nên, dù muốn hay không muốn, NHNN phải thực hiện các hoạt động kiểm soát cho vay, đảm bảo sự hài hòa giữa khu vực ngân hàng và các công ty tài chính. Đồng thời, qua đó đảm bảo các luồng vốn “chạy” theo đúng hướng và cuối cùng để ngăn chặn những hành vi phạm tội trong việc bắt tay giữa hai hệ thống”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo