Lãi vay vẫn đè doanh nghiệp
Năm 2014 ghi nhận sự chuyển động khá tích cực trong chính sách tiền tệ khi lãi suất ngân hàng (NH) giảm, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra là 13%/năm. Song, mức độ giảm giá vốn như vậy đã phù hợp với sự “xuống thang” của lạm phát cũng như xu hướng giảm giá mạnh mẽ của một số yếu tố đầu vào cho sản xuất hay chưa, hiện vẫn còn nhiều tranh luận.
Ưu đãi chưa đủ để cạnh tranh
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa, cho biết ngành mía đường được vay vốn NH với mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Theo ông, hai yếu tố có thể giúp ngành mía đường tiếp cận lãi suất ưu đãi là hoạt động nông nghiệp và có bề dày, quan hệ tín dụng với NH tốt. “Nhiều DN được vay lãi suất ưu tiên, với đa số DN mía đường thì mức phổ biến là 6%-8%/năm. So với mặt bằng lãi suất chung thì mức này thấp hơn nhiều DN khác nhưng cũng khó cạnh tranh với DN nước ngoài, ví dụ Thái Lan” - ông khẳng định.
Theo ông Lộc, đặc thù của ngành mía đường là chi phí nhiên liệu chiếm đến 80%, trong khi vốn cho trồng mía nguyên liệu không dễ giảm. Cụ thể, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn trồng mía với lãi suất thấp nhưng thực tế không giải ngân được vì NH sợ rủi ro. Nông dân không có tài sản thế chấp, chỉ trông vào mía thì rủi ro rất cao, không đủ điều kiện vay vốn.
“Thông thường, DN mía đường phải đi vay NH rồi cho nông dân vay lại để trồng mía bán nguyên liệu cho DN. Như vậy, giá vốn cho sản xuất nguyên liệu mía vẫn cao. Ở Thái Lan, người ta hỗ trợ bằng nhiều cách, trong đó có thông qua lãi suất rẻ để nông dân mua giống, phân bón, nông cụ trồng mía nên chi phí nguyên liệu rất rẻ. Đối với mỗi ký đường, chi phí nguyên liệu chiếm tới 80% nên họ thắng về giá là như vậy” - ông Lộc phân tích.
Cần nỗ lực từ hai phía
Lãi suất phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó quan trọng là lạm phát. Nếu lạm phát giảm thì lãi suất được kéo xuống. Lạm phát của Việt Nam 3 năm qua đã giảm mạnh. Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam là giảm xuống nhưng cũng ở mức vừa phải để kích thích sản xuất vì nước ta đang trong quá trình phát triển. Lãi suất phải có tác dụng kích thích nguồn vốn đi vào sản xuất, kinh doanh.
Đối với nền kinh tế nước ta, muốn giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 6% như vừa hồi phục thì phải kiểm soát được lạm phát ở mức 3%-4%, dư nợ tín dụng tăng hợp lý. Cho nên, cần phải có giá vốn hợp lý để đưa vốn lưu thông ra thị trường, đầu tư vào sản xuất. Lãi suất cao quá không cho vay được, vốn sẽ nằm trong ngân hàng, nền kinh tế sẽ rất khó khăn.
Hiện nay, các NH thương mại đã có nhiều đợt giảm lãi suất nhưng mức cho vay sản xuất, kinh doanh phổ biến 7%-10% là vẫn cao so với khu vực. Từ 3 năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, số DN phá sản, ngừng hoạt động chưa giảm nên số DN đạt được mức lợi nhuận 10% là không nhiều.
Cần phải có nỗ lực của cả hai phía là NH và DN. DN phải cắt giảm chi phí nhân sự, bán hàng… để giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản xuất. Về phía NH, dư địa giảm lãi suất huy động không còn nhiều vì về nguyên tắc phải duy trì được lãi suất thực dương, nên cần phải giảm chi phí quản trị, chi phí nội bộ.
TS Cao Sỹ Kiêm
(Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia)
Hút vốn từ thị trường chứng khoán
Tôi cho rằng năm 2015, cần phải có chính sách kích hoạt thị trường chứng khoán để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thay vì trông chờ vào vốn tín dụng. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh rồi, chính sách thuế đã miễn, giảm gần như tối đa.
Có thể thấy rằng năm 2015, giải pháp hỗ trợ DN không còn dư địa về thuế, chỉ còn lãi suất. Nhưng dư địa giảm lãi suất cũng ít vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó có tâm lý người gửi tiền tiết kiệm, nếu lãi suất thấp quá thì dòng tiền buộc phải chuyển, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của hệ thống NH.
Hiện nay, khả năng thu hút vay vốn NH cũng hạn chế vì sản xuất khó khăn. Điều quan trọng, phần lớn DN là động lực cho tăng trưởng vẫn đang ở giai đoạn tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi. Trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa, DN phải có thời gian định hướng lại, thay đổi công nghệ… nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng sản xuất. Đó cũng là yếu tố làm sản xuất chậm lại.
Vì vậy, nên tranh thủ cơ hội đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước để thu hút vốn qua thị trường chứng khoán bằng các giải pháp giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho cả DN và nhà đầu tư. Để nền kinh tế phát triển tốt, phải huy động được nguồn lực từ thị trường chứng khoán với giá vốn rẻ chứ không phải từ NH.
Ông Đinh Văn Nhã
(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)
End of content
Không có tin nào tiếp theo