Làm bộ trưởng ngày càng khó
Điều khiến cho làm bộ trưởng thời nay ngày càng khó hơn - một khi bộ trưởng trình làng, hoạt động thì cả xã hội, người dân đều có cơ hội xem xét, đánh giá. Xã hội ngày càng cởi mở hơn, công khai hơn, thông tin ngày càng cập nhật và đa chiều hơn. Bộ trưởng đi đâu, làm gì, phát ngôn ra sao, chỉ ít phút sau cả xã hội đều tỏ.
Hãy xem phản ứng, bình luận của dân chúng sau các phiên trả lời chất vấn của bộ trưởng tại Quốc hội là rõ. Có bộ trưởng hỏi A lại trả lời B, vòng vo tam quốc. Năng lực hay kém năng lực thế là quá rõ. Thể chế, chính sách do các vị tư lệnh ngành tham mưu để Quốc hội, Chính phủ quyết đáp đến lúc triển khai gây hậu quả nghiêm trọng thì lúc đó bộ trưởng cũng lĩnh đủ.
Cũng giống như các nước, bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế… ở ta đang ngày càng đối mặt với xã hội, với người dân nhiều hơn bởi một lẽ hết sức đơn giản: những việc các vị này làm tác động trực tiếp tới đời sống của mọi người dân trong xã hội.
Và chính trong một môi trường xã hội đã thay đổi như vậy, vị bộ trưởng nào không ý thức được điều đó, không có những thay đổi thực sự trong quan niệm, tư duy hành động phục vụ dân thì vị đó sẽ không thể tại vị ít nhất là theo quan niệm của dân chúng.
Từ chức do bất đồng chính kiến
Nếu có sự phân loại từ chức thì đây có thể là nhóm đầu tiên. Ví dụ tiêu biểu ở đây chính là trường hợp Chu Văn An dâng thất trảm sớ lên vua Dụ Tông triều nhà Trần đề nghị vua chém 7 viên quan gian nịnh trong triều. Vua Dụ Tông không nghe, Chu Văn An từ quan về dạy học. Chu Văn An không thể tiếp tục làm quan dưới một ông vua như vậy, với 7 vị quan không đủ tư cách đạo đức, phẩm chất làm quan. Nói theo ngôn ngữ thời nay là sự bất đồng chính kiến trong sử dụng quan lại, trong đường lối cai trị của triều đình.
Nền chính trị đương đại của một số nước cũng thỉnh thoảng chứng kiến việc từ chức của một số chính trị gia theo kiểu này. Một vài bộ trưởng đến một lúc nào đó nhận thấy mình không thể tiếp tục đi theo đường lối của đảng cầm quyền đã tuyên bố từ chức.
Từ chức theo kiểu “văn hóa từ chức”
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson đã từ chức sau khi gây tai nạn ô tô rồi bỏ chạy, va tiếp vào xe khác. Chủ tịch Hạ viện Australia Peter Slipper tuyên bố từ chức tháng 9/2012 vì bê bối tình dục đồng tính với một đồng nghiệp. Yongyuth Wichaidit từ chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ Thái lan vì vụ bê bối liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ. Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố từ chức tháng 5/2007…
Còn rất nhiều các vụ từ chức theo dạng này. Xét vẻ bề ngoài cứ tưởng đây là tự từ chức, là quyết định từ nội tâm, từ lương tâm, trách nhiệm của cá nhân đó và dễ dẫn đến coi đây là văn hóa từ chức. Song, về cơ bản không hẳn là như thế!
Đằng sau mỗi tuyên bố từ chức có vẻ nhẹ nhàng là các cuộc đấu tranh quyết liệt trong ban lãnh đạo đảng cầm quyền. Cá nhân liên quan nếu không rút lui khỏi vũ đài chính trị thì uy tín của đảng sẽ giảm sút nghiêm trọng, trong kỳ bầu cử tới rất có thể đảng sẽ mất phiếu. Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của đảng, cái nào lớn hơn, cần ưu tiên cái nào, câu trả lời là khá rõ.
Anh không muốn từ chức cũng không được. Đảng buộc anh phải từ chức. Ra bàn dân thiên hạ, anh vẫn có thể nói đây là quyết định từ chức của cá nhân anh. Có ai bắt tội đâu mà sợ! Các ví dụ vừa nêu đều rơi vào loại từ chức kiểu này.
Như vậy, về cơ bản không có cái gọi là “văn hóa từ chức” như chúng ta trông đợi. Việt Nam và các nước khác cũng thế.
Gần 100% các trường hợp từ chức trên thế giới rơi vào loại bị buộc phải từ chức. Đã và sẽ có rất ít trường hợp tự từ chức do lương tâm cắn rứt, do không làm tròn trách nhiệm nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, cho người dân. Tây và ta đều như vậy.
Từ chức hay không là việc của ban lãnh đạo đảng cầm quyền. Uy tín của đảng sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào, uy tín và trách nhiệm của chính phủ, của cá nhân thủ tướng với tư cách là người đứng đầu chính phủ bị ảnh hưởng đến mức nào nếu một bộ trưởng mà dư luận đặt dấu hỏi tiếp tục tại vị. Nếu không có gì là nghiêm trọng thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả và ngược lại. Hệ thống chính trị, hệ thống hành chính nhà nước của Việt Nam cũng dần phải thích ứng với những vấn đề theo kiểu này. Mà đây lại chính là điểm thể hiện rõ phương châm hành động của Đảng: Đảng đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo