Thị trường

Làm gì để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát cuối năm 2018?

(DNVN) - “5 tháng đầu năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,01% so với cùng kỳ. Mục tiêu cả năm là 4%. Từ nay đến cuối năm còn 7 tháng nữa phải hết sức chú ý vì đang có nhiều áp lực tác động lên lạm phát”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết như vậy.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa.

Thưa ông, những áp lực tác động lên lạm phát mà ông vừa nhắc đến là gì? Thể hiện rõ nhất ở khu vực nào?

Từ nay đến cuối năm còn 7 tháng nữa song có rất nhiều áp lực tác động lên lạm phát. Thứ nhất là một số giá hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quản lý phải điều chỉnh giá theo lộ trình. Rõ nhất là giá dịch vụ như y tế, giáo dục, giá điện, xăng dầu. Thứ hai, giá thế giới mà đặc biệt là giá xăng đang có xu hướng vận động tăng sẽ tác động vào giá cả thị trường trong nước. Thứ ba là áp lực của tiền ra. Đó là áp lực của điều chỉnh lương từ 1/7/2018. Rồi tiền ra cuối năm rải ngân các dự án đầu tư. Tiền ra cuối năm tập trung cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Thứ tư, từ nay đến cuối năm có những biến động khó lường của thời tiết mưa, bão… cũng tiềm ẩn yếu tố tác động đến cung cầu, tác động đến thị trường giá cả.

Có bốn áp lực khá rõ như vậy từ nay đến cuối năm. Mục tiêu từ nay đến cuối năm còn 1% phải cố gắng, phấn đấu quyết liệt. Không thể chủ quan để 4 áp lực gây ra tác động lên lạm phát.

Để hạn chế áp lực gây ra tác động lên lạm pháp, chúng ta cần phải làm gì?

Bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để thiếu các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm và những hàng hóa cơ bản khác. Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thứ ba là kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng tổng dư nợ tín dụng từ nay đến cuối năm để khống chế tiền ra ở mức hợp lý, đừng để áp lực lạm phát. Ví dụ, mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm là 16%, tăng tổng dư nợ tín dụng 17% phải bảo đảm đi đúng mục tiêu. Tỉ lệ phấn đấu như vậy nhưng dòng tiền phải đi vào sản xuất kinh doanh, không đi vào bất động sản. Phải đi vào các dự án phát huy hiệu quả. Phải lùi, giãn lộ trình điều chỉnh các mặt hàng Nhà Nước quản lý giá vào thời điểm hợp lý. Áp dụng các biện pháp thích hợp bình ổn giá theo quy định. Thứ tư, Nhà nước phải có giải pháp giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông. Đặc biệt là các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh, các loại chi phí ngầm để giảm áp lực tăng giá.

 

Đây là bốn vấn đề cốt lõi cần làm ngay vì nó tác động trực tiếp lên thị trường.

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản hiện nay đang rất sôi động. Thậm chí, có những doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ổn định cũng nhào sang thị trường này. Chứng tỏ đây là một thị trường béo bở.  Nhưng ông lại vừa nói, phải đi vào sản xuất kinh doanh, không đi vào bất động sản. Tại sao lại không nên đầu tư dòng tiền vào bất động sản?

Không đầu tư vì hiện nay bất động sản đang nóng. Đặc biệt tại các khu vực đang dự kiến thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc giá đang sốt do đón cơ hội đầu tư. Từ đó sẽ lan sang các khu vực khác. Nếu dòng tín dụng cho vay đổ vào đấy thì giá càng lên, tiền càng tăng thì áp lực tăng. Nguy cơ nếu không quản lý được thị trường, vỡ bong bóng thì tác động, thiệt hại đến nền kinh tế rất lớn.

Ông có cảnh báo gì cho doanh nghiệp trước thực trạng trên?

Doanh nghiệp phải luôn luôn có các biện pháp thích ứng với mọi hoàn cảnh, không có cách nào khác. Về vĩ mô, có các biện pháp giúp họ giảm chi phí sản xuất. Bản thân doanh nghiệp cũng phải phấn đấu giảm chi phí sản xuất bằng các biện pháp như tiết giảm chi phí mức hợp lý, cải tiến quản lý của mình. Áp dụng các biện pháp để tăng năng suất ở mức độ nhất định… Suy cho cùng là hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh.

 

Các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán đều tiềm ẩn những rủi ro. Cách tốt nhất hiện nay là các doanh nghiệp nên đầu tư vào sản xuất kinh doanh mới là kế sách bền vững, an toàn.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Kim Thanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo