Làm gì khi mua trúng “con ruồi trong chai nước"?
Nhiều bạn đọc băn khoăn: "Tôi phải làm gì khi mua trúng chai nước có ruồi bên trong?". Hàng trăm ý kiến tranh luận xung quanh câu chuyện này.
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về những điểm phải làm rõ trong câu chuyện “con ruồi trong chai nước” xôn xao dư luận những ngày qua.
Có bạn đọc đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Công ty Tân Hiệp Phát trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có người lại cho rằng Hội bảo vệ người tiêu dùng nên vào cuộc.
Tranh luận sôi nổi
Bạn đọc Phu TN cho rằng nên “thanh kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất nước giải khát đóng chai của công ty. Đó là việc chính cần phải làm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng”.
Một bạn đọc khác thì nêu ý kiến là Hội bảo vệ người tiêu dùng nên lên tiếng trong trường hợp này.
“Nếu điều tra ra anh này cố tình để dị vật vào chai nước ngọt để tống tiền thì bắt giam xử phạt. Ngược lại nếu lỗi của Tân Hiệp Phát sản xuất không an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải xử phạt công ty, công khai xin lỗi và đền bù cho người tiêu dùng”, bạn đọc nêu.
Có ý kiến cho rằng việc anh Minh bị bắt để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản là chưa ổn, bởi đó là thương lượng giữa khách hàng và doanh nghiệp trên cơ sở anh Minh đề đạt yêu cầu và phía Tân Hiệp Phát đồng ý thỏa thuận.
Tuy nhiên, không thiếu quan điểm cho rằng hành vi của anh Minh là cố tình lợi dụng việc có con ruồi trong chai nước để ép Công ty Tân Hiệp Phát phải bồi thường số tiền lớn.
Nếu gặp trường hợp nêu trên, bạn phải làm gì?
Hiểu luật trước khi khiếu nại
Bà Phan Thị Việt Thu - phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - đưa ra hai tình huống.
Nếu Công ty Tân Hiệp Phát đến gặp khách hàng và đồng ý bồi thường cho khách hàng như đã thỏa thuận, sau đó lại báo công an thì công ty này chưa thể hiện hết trách nhiệm và tình cảm với người tiêu dùng.
"Ngược lại, nếu Tân Hiệp Phát đã đến xin lỗi, thể hiện sự thiện chí nhưng khách hàng kiên quyết không thỏa thuận mà còn đe dọa, trong trường hợp này, theo tôi, Tân Hiệp Phát có quyền nhờ đến sự can thiệp của pháp luật”, bà Thu nhận định.
Theo bà Thu, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đã tiếp nhận rất nhiều vụ việc khách hàng phàn nàn về chất lượng các mặt hàng nước giải khát.
“Người tiêu dùng khi đi khiếu nại thường có tâm lý là nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho họ. Chúng tôi thường giải thích cho khách hàng rằng muốn được bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được sự thiệt hại của mình theo quy định của pháp luật”, bà Thu nói.
“Thông thường, người tiêu dùng nghĩ mình phải được bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần và đôi khi đưa ra những cái giá bồi thường không hợp lý”, bà Thu chia sẻ.
Bà Thu cho rằng trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm chung với cộng đồng, người tiêu dùng có thể báo với nhà sản xuất những vấn đề về chất lượng của sản phẩm để nhà sản xuất chấn chỉnh.
Doanh nghiệp cũng phải thể hiện trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, sự quan tâm và chăm sóc người tiêu dùng...
Bà Thu cho rằng Công ty Tân Hiệp Phát nên hướng dẫn khách hàng đến văn phòng giải quyết khiếu nại của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để hai bên có thể trao đổi, hòa giải để sự việc không đi xa như vậy.
Qua sự việc này, bà Thu cũng đưa ra những khuyến cáo với người tiêu dùng khi muốn khiếu nại về chất lượng một sản phẩm, dịch vụ nào đó.
Bà Thu nói: “Người dân nên tuân theo những quy định về việc bảo vệ người tiêu dùng. Người dân có thể báo những vấn đề của sản phẩm với nhà sản xuất.
Trong quá trình thương lượng, nếu nhà sản xuất tỏ ra không quan tâm, bất cần, không chịu trách nhiệm về sản phẩm thì người tiêu dùng có quyền nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Hoặc người dân cũng có thể đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhờ hội đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình”.
Mặt khác, nếu người tiêu dùng không hài lòng với cách giải thích của nhà sản xuất và vẫn nghi ngờ về chất lượng sản phẩm thì có thể mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, với điều kiện sản phẩm còn nguyên.
“Nếu sản phẩm thật sự có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì khách hàng sẽ lên tiếng với công luận và khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp xử lý nhà sản xuất”, bà Thu chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn khách hàng mua trúng sản phẩm bị hư hỏng, chua, mốc, có vật thể lạ bên trong đều được các doanh nghiệp đền bù bằng cách đổi lại sản phẩm hỏng, một số doanh nghiệp tặng thêm khách hàng một thùng sản phẩm tương tự đi kèm.
Làm rõ có hành vi đe dọa, khống chế hay không
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, xung quanh vụ việc anh Võ Văn Minh (Tiền Giang) bị bắt giữ để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Bà Liên nói: “Việc thỏa thuận giữa hai bên là quan hệ dân sự, trao đổi thông thường. Tuy nhiên, nếu có sự đe dọa, khống chế, up hiếp tinh thần để yêu cầu số tiền lớn thì cần xem xét đến yếu tố hình sự”.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đưa ra lời tư vấn: khi hàng hóa có vấn đề, không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đơn vị sản xuất bồi thường.
Người tiêu dùng cũng có thể báo cáo sự việc với cơ quan quản lý thị trường, Sở Công thương để các đơn vị này xử lý nhà sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo