Làm gì với hàng nghìn tỷ người dân đã nộp 'oan' cho doanh nghiệp xăng dầu?
Bộ Tài chính nhận sai
Thời gian qua, có nhiều ý kiến bức xúc cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tạo thuận lợi khi mức thuế nhập khẩu trong cơ cấu giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Việc phát sinh chênh lệch thuế trong cách tính giá bán lẻ xăng dầu khiến người dân phải mua xăng giá đắt, lợi nhuận chảy vào túi doanh nghiệp…
Cụ thể, từ tháng 5/2015, với các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN, Hàn Quốc, thuế áp chỉ có 5%, 10%, thậm chí là 0% từ ngày 1/1/2016. Thế nhưng theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut.
Nghĩa là việc này đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (khoản doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (khoản người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 sau khi Thông tư 78 ra đời đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay trong năm ngoái, tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, nhưng đã phải hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu khoảng 3.500 tỷ đồng, chủ yếu hoàn cho mặt hàng dầu có xuất xứ từ ASEAN do được hưởng thuế ưu đãi. Nghĩa là số tiền chênh lệch này đã rơi vào túi doanh nghiệp.
Trước bức xúc này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2016 về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu. Theo đó, từ ngày 18-3, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%; dầu diesel giảm từ 10% xuống 7% và dầu hỏa giảm từ 13% xuống 7%.
Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu tại Thông tư 48/2016 nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các hiệp định thương mại song phương và khu vực.
Về cơ chế điều hành giá xăng dầu bất cập, gây ra lỗ hổng thiệt hàng tỷ đồng vừa qua khi tính thuế cao hơn thực tế thị trường nhập khẩu, Bộ Tài chính cũng thừa nhận không còn phù hợp. Vì vậy, để khắc phục sự chưa hợp lý này, cùng với việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các Biểu thuế (MFN và FTA), tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký Biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử.
Theo Bộ Tài chính, việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ bảo đảm sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Tuy nhiên, đánh giá cho thấy, phương án của Bộ Tài chính mới chỉ phần nào "vá" lỗ hổng trong phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu chứ chưa thấu nói gì đến việc các doanh nghiệp xăng dầu phải trả lại khoản chênh lệch thuế mà họ đã “móc túi” người dân trong hơn một năm qua như thế nào?
Bù cho dân bằng cách trả tiền về quỹ bình ổn giá
Nêu ra phương án xử lý khoản lợi nhuận trên, trả lời báo chí, ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho rằng vấn đề cần giải quyết ngay là Bộ Tài chính nhanh chóng truy thu số tiền chênh lệch thuế đang nằm ở doanh nghiệp để trả lại cho người tiêu dùng thông qua quỹ bình ổn giá.
Trước ý kiến cho rằng ngành thuế nên truy thu số tiền chênh lệch nói trên, và truy thu rồi thì sẽ sung vào ngân sách hoặc trả lại cho bên trực tiếp thiệt hại là người tiêu dùng? ông Long cho rằng, chắc chắn là phải truy thu và không thể sung vào ngân sách mà phải trả lại cho người tiêu dùng. Bộ Tài chính thu ngân sách khó khăn, nếu truy thu được món này cũng có hàng nghìn tỷ “đập” vào. Song, không thể sung quỹ theo kiểu đó được, mà phải trả lại cho người bị thiệt hại trực tiếp. Vì người tiêu dùng mua xăng không có hóa đơn, nên dĩ nhiên không thể để khách hàng truy lĩnh trực tiếp, mà nên đưa vào Quỹ bình ổn xăng dầu. Quỹ bình ổn giá có đặc thù là để “chống sốc” cho giá xăng dầu, nếu giá lên cao, xả quỹ để điều tiết, không bắt người tiêu dùng mua giá cao.
Ông Long cũng cho biết, Chính phủ giao Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu thì hai bộ này phải có trách nhiệm. Việc để xảy ra chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu suốt một năm qua đã giúp doanh nghiệp được hưởng lợi, đẩy phần thiệt cho người mua. Điều đó cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước của hai bộ chưa tốt. Trong lúc này, thay vì hai bộ đổ trách nhiệm cho nhau thì nên ngồi lại tính toán, đưa ra biện pháp để đem lại sự hài hòa quyền lợi cho các bên trong vấn đề giá xăng dầu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, bản chất khoản tiền này là của người tiêu dùng do đó nếu đưa vào ngân sách nhà nước cũng không hợp lý, không tạo được sự đồng thuận của xã hội do đó cách xử lý duy nhất là truy thu và đưa vào quỹ bình ổn giá.
“Cần tính toán cụ thể số tiền, tránh xảy ra lạm dụng do trong hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp, không phải tất cả đều từ nguồn được hưởng thuế thấp”, ông Phong lưu ý. Cũng theo vị chuyên gia này, việc xảy ra lỗ hổng trong điều hành giá xăng dầu lần này là bài học lớn cho Liên Bộ Công Thương - Tài chính, cơ quan điều hành cần sòng phẳng và thẳng thắn xin lỗi người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo