Làm giàu ở nông thôn: Trên sen, dưới cá khấm khá mấy hồi
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, thời gian qua trên địa bàn thôn An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã đưa cây sen vào trồng thử nghiệm kết hợp với nuôi cá, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những ngày hè này nếu có dịp đi qua xã Triệu Sơn, mọi người sẽ thấy bức tranh thôn quê bình yên với những cánh đồng bạt ngàn sen hồng, thoang thoảng tỏa hương trong gió. Thôn An Lưu với đặc thù có nhiều diện tích đất nông nghiệp trũng lầy, chua phèn, sản xuất lúa kém hiệu quả như vùng ruộng Dích, vùng Bàu, Trốc Đội... Ba năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình trong thôn đã chuyển đổi diện tích đất phèn hoang hóa, trồng lúa năng suất thấp sang trồng sen kết hợp thả cá. Đến nay thôn An Lưu có khoảng 30 hộ trồng sen với diện tích trên 25 ha.
Ghé thăm ruộng sen của gia đình anh Trần Quốc Quý, một trong những hộ trồng sen hiệu quả tại thôn An Lưu, anh cho biết vụ sen năm nay gia đình anh trồng 2 ha sen kết hợp với nuôi các loại cá nước ngọt như trắm đen, mè, chép. Theo anh Quý, sen là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, sau đó chỉ chăm sóc bón phân và thu hoạch.
Như ước tính của anh Quý, trồng sen kết hợp thả cá cho thu nhập cao gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa và nhiều lần so với các cây trồng khác. Sen được trồng 1 vụ/ năm, bắt đầu từ tháng 2 và sau 4 - 6 tháng có thể cho thu hoạch. Sen nở rộ vào tháng 6 đến tháng 8. Hiện tại thị trường sen đang dễ bán, các thương lái tìm đến thu mua tận nơi. Đầu vụ giá sen hạt khoảng 4050.000 nghìn đồng/ kg, cuối vụ khoảng 25.000 đồng/kg. Tính ra 1 ha trồng sen lãi ròng trên 80 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ cá trong ao.
Anh Quý chia sẻ kỹ thuật trồng sen: “Để trồng sen cho năng suất cao, trước khi trồng, cần làm vệ sinh ao, bắt ốc bươu vàng và cá rô phi, vì các loại này thường ăn các nhánh sen non mới ra. Sau khi trồng giống sen khoảng 1 tháng, bón lân để kích thích ra rễ nhanh, với lượng bón 10kg lân/sào. Quá trình trồng được 2 tháng thì tiến hành bón NPK để kích thích sen đẻ nhánh, lượng bón ở thời điểm này khoảng 10-15kg/sào..."
Anh Quý cho biết thêm về kinh nghiệm trồng sen, đến thời điểm sen phát triển đều mặt ruộng và ra hoa bói, bón kali và phân NPK, lượng bón 7-10 kg kali và 10 -15kg NPK/sào. Khi thu hái lứa bói đầu tiên bón thêm một lần nữa với lượng phân tương tự. Tại thời điểm bắt đầu thu hoạch, phải chú ý kiểm tra phát hiện sâu ăn lá để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong quá trình trồng và chăm sóc, cần tăng cường thêm phân chuồng ủ và phân hữu cơ để tăng chất lượng sen”.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Ngọc Lân cho biết, đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xã Triệu Sơn tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Huyện ủy về nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cây sen đang là loại cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất trũng ở xã Triệu Sơn, mở ra hướng chiến lược trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập từ cây trồng trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới UBND xã tiếp tục xây dựng và phát triển đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các vùng đất thấp trũng, đất phèn hoang hóa sẽ được quy hoạch lại để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả hơn, trong đó có mô hình sen- cá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam
Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Ngành nông nghiệp cần tăng tốc