Làm giàu từ cây nấm “trị” ung thư
Ở Việt Nam hiện nay chỉ mới duy nhất anh Nguyễn Trường Giang, ở tỉnh Đắk Lắk trồng được loại nấm này. Nếu phát triển mở rộng thì loại nấm này sẽ trở thành một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho người nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời trở thành một nguồn dược liệu quý trong điều trị căn bệnh ung thư.
Những ngày giữa tháng 6-2018, chúng tôi có dịp đến thăm xưởng trồng nấm vân chi của anh Nguyễn Trường Giang, ở thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Nhìn cơ sở nấm vân chi của anh đang chờ UBND tỉnh Đắk Lắk cho mở rộng sản xuất, chúng tôi không khỏi vui mừng bởi nếu phát triển trồng nấm vân chi không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân Tây Nguyên mà nó còn có thể giúp bà con thoát nghèo.
GS Nguyễn Lân Dũng kể, cách đây nhiều năm, trong một lần đi công tác ở nước ngoài, ông tình cờ biết tới nấm vân chi. Trên thế giới đã nghiên cứu và công nhận nấm vân chi có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh ung thư, thấy đây là một loại nấm quý hiếm, ông đã mang giống về Việt Nam. Do thổ nhưỡng và khí hậu của nước ta nên ông đã đưa giống nấm này cho nhiều kỹ sư nuôi trồng nhưng đều không thành công.
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, ở Việt Nam hiện mới chỉ có anh Nguyễn Trường Giang nuôi trồng thành công nấm vân chi. Đã có rất nhiều kỹ sư “nằm” ở trại nấm của anh Giang học hỏi kinh nghiệm vài tháng nhưng cũng không thể nuôi thành công.
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 ca bị ung thư mới, khoảng 75.000 người chết vì bệnh ung thư. Mở rộng phát triển nấm vân chi không chỉ là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là nguồn dược liệu quý để hỗ trợ điều trị căn bệnh ung thư.
Để nuôi trồng được loài nấm quý giá này, anh Giang đã phải “lao tâm khổ tứ”, thậm chí có lúc đứng bên bờ vực phá sản bởi nhiều lần thất bại, vốn đi vay cạn kiệt. Từ một chàng trai nghèo phải đi làm mướn ở khắp cánh rừng Tây Nguyên, phải đi vay mượn toàn bộ vốn liếng liều mình đầu tư vào trồng nấm vân chi, trải qua bao sóng gió, nếu không có lòng kiên trì, nhẫn nại, sự nhiệt huyết thì anh không có thành công như ngày hôm nay.
Chủ trang trại nấm vân chi nổi tiếng cả nước vốn sinh ra tại vùng quê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhà nghèo, năm 15 tuổi, anh Giang theo bố mẹ vào Đắk Lắk xây dựng vùng kinh tế mới. Từ một chàng thanh niên làm thuê nhặt cỏ, xới đất tại các bãi cà phê, hồ tiêu, cơ may đến với anh vào năm 1997 khi anh gặp được GS Nguyễn Lân Dũng.
Thường xuyên theo dõi các chương trình khuyến nông trên tivi, anh Giang biết thông tin GS Nguyễn Lân Dũng giới thiệu về một loại nấm có tên vân chi với tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vốn cũng đã có kinh nghiệm trồng các loại nấm ăn như nấm sò, nấm rơm, anh Giang đã lặn lội từ Đắk Lắk ra Hà Nội gặp vị giáo sư để học hỏi kinh nghiệm và mua giống nấm quý.
Quy trình trồng nấm vân chi mất từ 6 đến 7 tháng mới có thể cho thành phẩm thu hoạch. Lần đầu tiên thất bại, anh mất trắng 50 triệu đồng. Không nản chí, anh tiếp tục nghiên cứu và phát hiện nguyên nhân khiến cây nấm không phát triển được là do độ ẩm môi trường không đảm bảo. Đến mẻ nấm thứ 2 đã cho thu hoạch rất tốt với thành phẩm là 500kg nấm khô nhưng lại không bán được.
Bởi lẽ, nấm vân chi chỉ có thể bảo quản 12 tháng, nếu không bán được thì sẽ đổ đi. Tiếc tiền, tiếc sức, anh Giang ôm theo túi nấm thành phẩm bắt xe khách từ Đắk Lắk vào TP Hồ Chí Minh, rồi tới nhà máy sản xuất dược ở TP Cần Thơ để chào hàng. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là cái lắc đầu với lý do “chưa biết đến sản phẩm nào có tên nấm vân chi”. Nếm mùi thất bại, anh Giang quay về và đành phải đem 500kg nấm đi tiêu hủy.
Hết tiền, tưởng rằng cứ thế mà từ bỏ, nào ngờ đầu năm 2012, anh nhận được điện thoại đặt mua hàng của Công ty BV Pharma. Vui mừng đến mức anh chảy nước mắt. Công ty BV Pharma còn đặt mua nấm vân chi dưới dạng cao đặc.
Sau khi test các thông số chất lượng của cao nấm vân chi do xưởng sản xuất của anh Giang cung cấp, Công ty BV Pharma đã quyết định hợp đồng và thu mua toàn bộ nấm vân chi mà anh Giang trồng được. Hiện nay, nấm vân chi do anh Nguyễn Trường Giang trồng đã được rất nhiều công ty dược thu mua. Thậm chí, xưởng sản xuất của anh nhiều thời điểm bị “cháy” hàng.
Để mở rộng sản xuất, anh Giang đã xin UBND tỉnh Đăk Lắk phê duyệt dự án sản xuất nấm vân chi tại Đắk Lắk với diện tích khoảng 2ha với doanh thu dự kiến lên đến 11 tỷ đồng/năm. “Thủ tục chúng tôi đã làm xong chỉ còn chờ UBND tỉnh phê duyệt.
Nếu dự án được phê duyệt và đưa vào triển khai sẽ không chỉ tạo được nguồn dược liệu quý mà còn tạo công ăn việc làm cho 30 đến 40 lao động trên địa bàn”, anh Giang chia sẻ. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, khi đến với Tây Nguyên, chúng tôi sẽ được chứng kiến sự phát triển thương hiệu nấm vân chi của anh Nguyễn Trường Giang trong một khu vực sản xuất mới, góp phần làm giàu cho nông dân Tây Nguyên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động