Làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn gia công
Trước đây, bà Ngô Thị Chúc ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng được Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam trực tiếp ký hợp đồng chăn nuôi heo theo phương pháp gia công. Từ đây, bà Chúc đã đầu tư xây dựng 3 trang trại đạt tiêu chuẩn chăn nuôi heo của doanh nghiệp. Hiện nay, mô hình nuôi heo của bà Chúc có gần 1.500 con heo. Trung bình mỗi năm bán 2 lứa. Sau khi trừ chi phí, bà Chúc lãi chừng 350 triệu đến 400 triệu đồng. Theo bà Chúc, nuôi heo theo mô hình này, người dân chỉ lo chăm sóc heo, mọi thứ bao gồm con giống, thức ăn, thú y và đầu ra sản phẩm do công ty bao tiêu trọn gói.
“Chuyển qua nuôi heo, thấy kinh tế phát triển con cái thành đạt hết, mình không phải lo.Mình tạo điều kiện cho mấy chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo” - bà Chúc nói.
Bà Lê Thị Tịch ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cũng đã thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi heo gia công này. Bà Tịch cho biết: Chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ bị thương lái ép giá, nhiều rủi ro. Từ khi nuôi heo gia công cho doanh nghiệp gia đình bà Tịch có cuộc sống ổn định. Công ty bao tiêu sản phẩm đầu vào đầu ra cho nên an tâm. Giống, bột thức ăn của họ, nuôi không sợ lỗ cũng có chổ dựa để cho mình làm ăn đi lên.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, mô hình nuôi heo gia công mà Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đang ký kết hợp đồng với người dân cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hầu hết các hộ chăn nuôi theo mô hình này đều rất yên tâm làm ăn vì doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu vào, đầu ra. Nhiều hộ đã giàu lên nhờ mô hình chăn nuôi này.
“Trên địa bàn xã Hòa Tiến có 7 hộ chăn nuôi heo tập trung, quy mô từ 300 con đến 1500 con. Tình hình chăn nuôi ở các hộ nuôi heo tạp trung ở Hòa Tiến tương đối ổn định. Đại đa số các hộ nuôi này rất ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế. Xã Hòa Tiến vẫn quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tạo điều kiện quỹ đất cho bà con chăn nuôi” - ông Đặng Quốc Tuấn cho biết.
Ông Thái Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: Để chăn nuôi ở Đà Nẵng phát triển, trước hết phải quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung. Tại đó, có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại về quỹ đất, vốn vay ưu đãi để họ phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, số lượng lớn.
“Chính quyền đã có một số hỗ trợ, ví dụ bình ổn giá hỗ trợ các doanh nghiệp mua và xuất tiêu thụ. Thành phố đã quy hoạch 1 khu công nghệ cao, 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, có dành một số khu vực cho các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tại địa phương. Trên cơ sở đó, nhà nước có hỗ trợ trong quy hoạch trong vay vốn”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo