Làm mới tour cũ
Tour cũ, nhàm chán là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch ngán mua tour. Một số doanh nghiệp đưa ra nhiều ý tưởng đổi mới tour để thu hút khách.
Mô hình mới, khách mới
Cả năm 2011 chỉ có 7.000 lượt khách du lịch miệt vườn An Giang, trong khi chỉ mới ba tháng đầu năm 2012 đã có hơn 3.000 lượt. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trung tâm Du lịch Nông dân An Giang, cho biết con số tăng trưởng đáng kể này chứng tỏ hiệu quả của việc thay đổi mô hình du lịch.
Ông Tùng cho biết nhiều khu du lịch ở miền Tây cũng có mô hình du lịch miệt vườn nhưng đơn giản chỉ là cho khách vào vườn ăn uống, ngắm vườn, hái trái cây. Trong khi đó, mô hình du lịch của nông dân An Giang được xem là mô hình mới, không bị trùng lặp ở các xã. Nông dân làm du lịch bằng chính ngôi nhà, mảnh đất của họ nên du khách cũng có cơ hội tham gia làm ruộng, chăm sóc vườn cây, làm nghề mộc, làm cốm dẹp với người dân tộc Khmer.
ThS Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark, cho biết Vietmark đã tổ chức nhiều tour du lịch nông dân ở An Giang. Ông nhận định mô hình này khai thác bài bản, có liên kết để cho ra những sản phẩm mới.
Ngay cả cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ du khách đều là những thứ mà người nông dân sử dụng hằng ngày nên hết sức dân dã và chân thực. Du lịch miệt vườn, du khách làm nông dân, du khách bắt cá… thì nhiều nơi cũng có nhưng trong tour An Giang này là săn bắt cá hô khổng lồ tại ngã ba Vàm Nao, đó là điểm nhấn thu hút.
Lắng nghe nhu cầu
Ông Phương cũng cho rằng làm mới tour thì mới giữ được khách. Ví dụ, với tour khám phá rừng Cát Tiên, các doanh nghiệp du lịch thường cho khách đi từ hướng Đồng Nai đi lên rừng Cát Tiên. Thế nhưng Vietmark làm ngược lại, cho khách đi theo hướng từ Lâm Đồng đổ về Nam Cát Tiên. Khách được trèo đèo, băng rừng, vượt chướng ngại… trong khoảng sáu km từ điểm khởi hành. Thay vì đi xe thì khách chèo bè trên sông Đồng Nai, đi bộ thăm làng…
Ông Huỳnh Minh Sơn, Trưởng phòng Điều hành Công ty Du lịch APEC, cho biết mỗi năm Việt Nam thu hút khoảng 300.000 lượt khách Nhật, chủ yếu là người trung niên và học sinh. “Chúng tôi lắng nghe ý kiến của khách để điều chỉnh tour. Ví dụ, tour cho học sinh thường có một ngày giao lưu với học sinh Việt Nam, sau đó đi thăm bảo tàng. Nhiều đoàn khách ngỏ ý muốn gặp các cựu chiến binh Việt Nam, nạn nhân chất độc màu da cam để nghe kể chuyện thêm.
Có những đoàn học sinh muốn đi thăm các trẻ em đường phố, cùng học nghề đan lát, nghề điện với trẻ em Việt Nam. APEC cũng tổ chức đưa học sinh về Mỹ Tho để cùng cắt lúa, tưới cây thanh long với nông dân. Các em học sinh Nhật rất thích” - ông Sơn chia sẻ.
Không tốn nhiều chi phí, chỉ cần sáng tạo là đã có thể “lột xác” cho tour cũ. Ông Bùi Thanh Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Destination, cho biết ngay cả địa phương cũng không nhìn thấy thế mạnh du lịch của mình, với họ thì cái gì cũng đã quá quen. Doanh nghiệp phải nhìn ra điểm “quen người lạ ta”.
Đơn cử như tour Tây Ninh, ngoài các điểm tham quan, doanh nghiệp có thể cho khách đi xem quy trình sản xuất những món đặc sản. Đi ngang Trảng Bàng, người ta muốn xem cách làm bánh canh, bánh tráng. Dọc đường từ thị xã Tây Ninh đến hồ Dầu Tiếng có thể cho khách tham quan cơ sở sản xuất mì lát, quy trình trồng mía ở Tây Ninh, thậm chí dừng xe cho khách tham quan quá trình khai thác cao su…
Tour “nằm trong phòng” Nhiều du khách chọn Đà Lạt, Bình Thuận, Vũng Tàu… chỉ để nghỉ dưỡng. Nhiều khách chọn giải pháp “nằm trong phòng” suốt cả tour. Nếu chỉ nằm trong phòng thì cần gì tốn tiền mua tour qua công ty du lịch nữa, khách chỉ cần tự đặt phòng khách sạn, tự đến, tự đi là xong! Cho nên, muốn hút khách thì doanh nghiệp phải làm mới tour của mình. ThS TRƯƠNG HOÀNG PHƯƠNG, Giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark Nhìn lịch trình là chán! Bạn tôi bảo: “Vũng Tàu quá chán, đến đó ăn - ngủ - tắm biển là hết”. Tôi thì nói: “Vũng Tàu hay quá, mỗi lần đến lại phát hiện một điều mới mẻ”. Tại sao có sự khác biệt? Bạn tôi đi theo tour. Tôi tự đi. Trước đây, tôi cũng như bạn tôi, nhiều lần đi tour Vũng Tàu. Ngoài việc tắm biển thì tour luôn xoay quanh những địa điểm như Thích Ca Phật đài, mũi Nghênh Phong, Bạch Dinh... Sao không là một hoạt động mới như ghé thăm Thiền viện Chân Không? Ngôi thiền viện này nép mình bên sườn núi, cảnh thanh tịnh, bình yên. Con đường ngoài cổng rợp bóng cây rừng hai bên, đi dạo, chụp ảnh, ngồi hát hò thì tuyệt. Đã có công ty du lịch nào đưa Bảo tàng Vũ khí cổ vào lịch trình Vũng Tàu? Chợ đêm đã mở vài tháng, có bao nhiêu du khách đi tour được công ty du lịch giới thiệu cho biết? Tại sao lúc nào cũng là ăn uống trong nhà hàng máy lạnh? Chẳng lẽ các công ty không thể tổ chức một tiệc nướng ngoài bãi biển? Có thể những góp ý trên không thích hợp cho tour đông vài trăm người nhưng một nhóm nhỏ chừng vài chục người hỏi mua tour thì lịch trình cũng sẽ y chang tour của năm, bảy năm trước mà thôi. Lẽ ra các công ty du lịch nên đa dạng tour, có loại tour cho người lần đầu tham quan, tour cho người quay lại khám phá... Những khi có dịp “phải đi tour” trở lại, nhìn lịch trình cứng nhắc, tôi thật không còn chút cảm hứng. TÚ NGUYỄN |
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines