Xã hội

Làm ngơ EVN, Bộ Công thương chưa sòng phẳng...

Liên tiếp các vị chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn về cách quản lý của Bộ Công thương đối với EVN và Petrolimex sau dư luận về việc tăng giá điện trong hai năm tới của EVN và hiệu suất kinh doanh quá kém của hai tập đoàn điện và xăng dầu.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, mâu thuẫn chính là ở chỗ giao nhiệm vụ cho EVN và Petrolimex đã không sòng phẳng nên mới xảy ra câu chuyện này. Cơ chế quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước không rõ ràng, cứ hạch toán minh bạch ra thì sẽ không có vấn đề gì.

Phân tích về sự minh bạch, TS Kiên cho rằng, trước hết là ở chỗ nhiệm vụ nào là nhiệm vụ công ích thì phải trả tiền.
 
“Ví dụ bình thường theo đơn giá dự toán là 100 đồng mà nhà nước giao EVN làm 30 đồng thì tức là đã đóng góp cho nhà nước 70 đồng. Vấn đề là phải hạch toán được như vậy”, TS kiên nói.
 
Bàn về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc EVN xây bể bơi, biệt thự, siêu xe tính vào giá điện và bắt dân phải chịu là hoàn toàn không hợp lý. Vì EVN độc quyền nên vấn đề giám sát toàn bộ quản lý, chi phí là cực kỳ quan trọng. Nếu, nhà nước không thanh tra, giám sát được thì nền kinh tế sẽ phải trả giá rất đắt. 
 
"EVN là cơ quan độc quyền nếu không có ai giám sát đầu vào sẽ dẫn đến sự tự tung tự tác của ngành điện, đồng nghĩa với việc gánh nặng tiếp tục đè nặng hơn cho nền kinh tế và cho người dân. Phải yêu cầu cầu EVN công khai minh bạch, cho đơn vị thứ ba thực hiện vai trò giám sát". 
 
Vị chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ rõ, nếu chỉ có Bộ công thương thì vấn đề lợi ích nhóm chắc chắn sẽ được dư luận đặt ra. Và như vậy, thì Bộ Công thương đang đứng về phía EVN chứ không phải là đứng về phía người dân.
 
Việc tăng giá điện đánh trực tiếp vào túi người dân trong khi chưa minh bạch hoạt động khiến dư luận băn khoăn
 
Đặt vấn đề trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, TS Đinh Tuấn Minh, thành viên nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, Ủy ban kinh tế Quốc hội phân tích: Tái cơ cấu quan trọng nhất phải thay đổi cơ cấu sở hữu. Khu vực DNNN là cục đá cản trở tất cả hoạt động của quá trình tái cơ cấu đầu tư công, đến hệ thống ngân hàng.
 
Theo TS Minh, các DNNN có vốn đầu tư từ nguồn thuế của dân, một mặt tiêu tiền người dân bằng đầu tư ngoài ngành, một mặt tính lãi do lấy thêm tiền từ túi người dân là do đặc quyền, đặc lợi họ được hưởng từ nhà nước.
 
Các DN được nhà nước bao cấp vốn không có động cơ cải thiện chi phí. Họ tăng các chi phí mang tính chất xa hoa để tăng quyền lực mềm của đội ngũ lãnh đạo. DN cũng không cần lãi, chỉ đạt định mức không bị thua lỗ để vượt rào, lãnh đạo không mất chức trong khi các DN tư nhân khi có điều kiện kinh doanh có thể đạt mức tăng trưởng mấy chục %. 
 
Vấn đề thứ 2 của việc bao cấp là DNNN khi nào cũng tìm cách đẩy chi phí lên cao nên về bản chất, chi phí cao của DNNN hoặc đẩy sang cho ngân sách gánh một phần thông qua các hình thức bù lỗ như ưu đãi tín dụng hoặc ưu đãi chính sách. Phần còn lại sẽ bắt người dân phải gánh chịu thông qua việc tăng giá liên tục ở mức cao. 
 
Ông kết luận: "Bộ Công thương phải có trách nhiệm trong việc xây dựng thị trường xăng dầu, điện cạnh tranh, minh bạch, các bên tham gia phải vận hành theo cơ chế thị trường".
 
Trước đó, Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng cũng bức xúc gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương: Vậy xin Bộ trưởng cho biết, vai trò quản lý ngành đáng ra phải phát hiện, ngăn chặn, những vấn đề tiêu cực của  EVN từ lâu, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng Bộ vẫn “làm ngơ”. Trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý thế nào.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo