Thị trường

Làm nông nghiệp, không phải cứ ứng dụng công nghệ cao là thành công

Công nghệ đã đến tận "cửa", tuy nhiên nông nghiệp thông minh không phải cứ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến là sẽ thành công.

Đây là chia sẻ của các doanh nghiệp làm nông nghiệp thông minh tại Việt Nam trong tọa đàm "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ và nhiều Bộ, UBND Hà Nội tổ chức ngày 12-13/7/2018.

Ứng dụng công nghệ cao, nhưng phải phù hợp

 Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, là một trong những doanh nghiệp khá thành công trong triển khai nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, không phải cứ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp là thành công.

Trong thời đại công nghệ 4.0, để tiếp cận với các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới là không quá khó, tuy nhiên, Việt Nam có đặc thù riêng. Vì thế, doanh nghiệp khi lựa chọn công nghệ ứng dụng vào quá trình sản xuất của mình cần tính đến đặc thù địa lý, khí hậu cũng như những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, toàn bộ hệ thống sản xuất của VinEco đều theo công nghệ nuôi trồng nhà kính tiên tiến nhất của Israel, một trong những quốc gia nổi tiếng với công nghệ nhà kính sản xuất trong sa mạc. Thế nhưng, các chuyên gia chuyển giao công nghệ của Isarel đã gặp không ít khó khăn với khí hậu của Việt Nam.

"Chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất dựa theo mô hình khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, nhưng biến đổi khí hậu làm đảo lộn không ít. Ví như, tại Lâm Đồng, bình thường chỉ 5-6 tháng là mùa mưa, thì bây giờ gần như mưa quanh năm. Hay đợt nắng nóng bất thường vừa qua tại miền Bắc khiến nhiệt độ ngoài trời lên đến 450C, nhiệt độ trong nhà kính lên đến 600C, khiến chuyên gia chuyển giao công nghệ của Isarel cũng phải sốc", bà Thảo cho hay.

Tọa đàm "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững". (Ảnh: Vân Anh).

Ông Vũ Thạch Tâm, Giám đốc kỹ thuật Công ty Lina Network cho rằng, hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới, doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng cung cấp được. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu hệ sinh thái hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất có thể tiếp cận công nghệ Việt, cũng như doanh nghiệp công nghệ Việt không biết doanh nghiệp sản xuất cần gì để chào "hàng".

"Để phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, nhà nước và cơ quan chức năng cần có chính sách cũng như phương thức cụ thể tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ", ông Vũ Thạch Tâm nêu ý kiến.

Không thể phát triển nông nghiệp thông minh kiểu "dàn hàng ngang"

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thẳng thắn thừa nhận, với tình hình phát triển khoa học công nghệ như hiện nay, nếu nông nghiệp Việt Nam không có điều chỉnh mạnh mẽ thì lãng phí cơ hội và đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Không thể phát triển nông nghiệp thông minh theo kiểu "dàn hàng ngang". (Ảnh: KT).

 Tuy nhiên, để thành công cần sự nỗ lực phối hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước.

"Tại Việt Nam, nông nghiệp hiện khó có thể ứng dụng công nghiệp 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

"Lựa chọn những giải pháp hiệu quả, bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuần an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ", ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Nên đọc
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Không thể phát triển nông nghiệp thông minh theo kiểu "dàn hàng ngang". (Ảnh: KT).
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo