Tài chính - ngân hàng

Lạm phát có thể giúp USD tăng giá trở lại

Tình trạng lạm phát có thể sẽ cứu được đồng USD khi Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Lạm phát tại Mỹ đang quay trở lại sau nhiều năm và nó sẽ làm thay đổi chính sách và thị trường tiền tệ nhanh hơn nhiều so với những gì mọi người dự đoán. Các dữ liệu gần đây đã khiến thị trường chứng khoán lo ngại rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ sau nhiều năm kích thích.

Khoảng một tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, sau khi giảm hơn 10% từ đỉnh chỉ trong vòng hai tuần. Theo sau đó là báo cáo về việc làm và mức lương tăng cao hơn mong đợi. Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ được báo cáo hôm 14.2 đạt 2,1%, mức cao hơn kỳ vọng.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của Fed có xu hướng đẩy tiền tệ đi lên.

“Fed phải nhanh chóng thay đổi chính sách tiền tệ khi lạm phát cất cánh”, Giles Keating, giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Werthstein Institute, nói với CNBC hôm 16.2.

Thị trường kỳ vọng sẽ có ba đợt tăng lãi suất ở Mỹ trong năm 2018, nhưng ông Keating tin rằng Fed có thể sẽ đẩy tốc độ tăng nhanh hơn. Song, những con số gần đây vẫn chưa thực sự cho thấy sức thuyết phục về chu kỳ thắt chặt nhanh hơn từ Fed.

“Mặc dù số liệu liên quan đến lạm phát gần đây đã tăng lên nhưng chúng tôi vẫn chưa tin tưởng vào xu hướng tăng lãi suất bền vững. Thị trường có thể sẽ phải cắt giảm kỳ vọng của mình”, các nhà chiến lược tại Rabobank, lưu ý.

Đồng USD đã chạm mức thấp nhất trong ba năm so với đồng yen và giảm 0,26% so với giỏ tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Keating, khi Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng trở lại từ mức thấp gần đây.

“Lãi suất của Mỹ đang tăng lên và có lẽ sẽ tăng lên nhanh hơn những gì mọi người nghĩ. Sớm hay muộn điều này sẽ biến đổi đồng USD. Tôi nghĩ rằng sự suy yếu của đồng USD sẽ không thể tiếp tục. Mở rộng tài chính dẫn đến chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và có xu hướng đẩy tiền tệ đi lên”, ông Keating cho hay.

 

Song, một số nhà phân tích tin rằng vẫn có nhiều yếu tố khác sẽ tiếp tục gây áp lực lên đồng USD, bao gồm việc đại tu hệ thống thuế và các kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

“Đồng USD đang ở trong xu hướng giảm về cơ cấu trong trung hạn, phần lớn là do thâm hụt tài chính ở Mỹ đang tăng nhanh”, Stephen Gallo, giám đốc chiến lược ngoại hối châu Âu tại ngân hàng Bank of Montreal, nói.

Nên đọc
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo