Pháp luật

Làm rõ động cơ của những người làm oan ông chủ quán Xin Chào!

(DNVN) - Liên quan đến vụ án " chủ quán cà phê Xin Chào", theo ý kiến của Luật sư, để lấy lại niềm tin cho người dân, cần phải xử lý thật nghiêm khắc những người đã trực tiếp làm oan cho ông Tấn. Đồng thời, làm rõ động cơ của những người liên quan trực tiếp đến vụ án...

Thông tin trên báo PLO, sáng 24/4, ông Võ Gia Bình, Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, thừa ủy quyền của viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh đã đến quán Xin Chào trao các quyết định liên quan đến minh định ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn vô tội. 

Đó là các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tấn. Phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tấn, đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với ông từ ngày 23/4/2016.

Theo đó, VKSND huyện Bình Chánh xác nhận: “Ngành nghề kinh doanh mà ông Tấn đăng ký, pháp luật quy định không cần giấy phép riêng theo Điều 159 BLHS và không bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc Công an huyện Bình Chánh hai lần kiểm tra đều xác định ông Tấn vi phạm kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kinh doanh không có giấy phép riêng để khởi tố ông Tấn về tội kinh doanh trái phép là không có căn cứ”.

VKSND huyện Bình Chánh đã công bố quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tấn. Ảnh: Báo PLO.

Bên cạnh đó, Viện KSND TP. HCM cũng đã tạm đình chỉ chức vụ nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng và ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát vụ án. Về phía công an, lãnh đạo công an TP cho biết sẽ xử lý trong tuần này. Hình thức xử lý thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.

Bình luận về sự kiện này trên báo NLĐ, Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, việc tạm đình chỉ chức vụ đối với những người này là điều cần thiết. Tuy nhiên, tạm đình chỉ chức vụ chỉ là bước ban đầu trong quy trình xử lý kỷ luật cán bộ công chức, chứ chưa phải là hình thức kỷ luật. Vì vậy, để lấy lại niềm tin cho người dân, cần phải xử lý thật nghiêm khắc những người đã trực tiếp làm oan cho ông Tấn. Đồng thời, làm rõ động cơ của những người liên quan trực tiếp đến vụ án.

Theo vị luật sư, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý cần làm rõ động cơ đằng sau sự việc này là gì? Có tiêu cực hay lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để cố tình làm oan người dân vô tội hay không? Muốn chứng minh động cơ của những người này không phải là dễ nhưng không khó đến mức không làm được.

Cục Điều tra hình sự Viện KSND tối cao cần vào cuộc xác minh, điều tra vì ở đây có dấu hiệu liên quan đến tội xâm phạm hoạt động tư pháp, cụ thể là tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” theo điều 293 BLHS 1999. Tôi tin rằng khi Cục điều tra vào cuộc điều tra, mọi việc sẽ được rõ ràng.

Luật sư Nguyễn Văn Đức cũng cho biết, trường hợp, Cục Điều tra hình sự Viện KSND tối cao không chứng minh được những người có liên quan có động cơ cá nhân để cố tình khởi tố, điều tra, truy tố oan ông Tấn thì những người làm oan ông Tấn cần bị xử lý trách nhiệm cá nhân ở mức cao nhất: loại khỏi ngành. Bởi lẽ, những người được nhà nước giao cho họ quyền năng xử lý tội phạm nhưng đã không phân biệt được đâu là tội phạm, đâu là người dân vô tội thì quá nguy hiểm.

 

Với những người mà như họ tự thừa nhận non kém nghiệp vụ, nhận thức pháp luật không đầy đủ thì ngày nào họ còn ở trong ngành, ngày đó án oan còn lơ lửng trên đầu người dân vô tội. Vì vậy, không có lý do gì để những người như họ tiếp tục được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi họ không xứng đáng với chức phận cao quý đó.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo