Xã hội

Làm rõ nguyên nhân chanh leo chậm phát triển và chết tại Nghệ An

(DNVN) - Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tỷ lệ chanh leo chết, chậm phát triển tại địa phương này chỉ mức 18,49% là do các tác nhân bên ngoài chứ không phải do cây giống.

Người dân chưa thực hiện đúng kỹ thuật

Theo đó, vào thời gian qua tình trạng một số ít cây chanh leo giống bị chết và chậm phát triển sau khi trồng đã xảy ra tại vùng chanh leo nguyên liệu của Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Trước thực trạng đó, Ban chỉ đạo phát triển chanh leo huyện Quế Phong; Phòng Nông nghiệp; Ban phát triển nông thôn, miền núi và Doanh nghiệp đã tiến hành đi kiểm tra thực tế tại các hộ trồng chanh leo.

Gia đình chị Vi Thị Duyên tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An trồng 200 cây chanh leo vào tháng 10 vừa qua chỉ chết và chậm phát triển 3 cây. Số cây còn lại nay đã bắt đầu leo dàn và có hoa.

Qua kiểm tra thực tế tại địa bàn cho thấy vụ trồng năm 2015 tại xã Tri Lễ đã có 53 hộ trồng chanh leo với  tổng số cây giống là 8.800 cây (tương đương với 11ha). Trong đó số cây chết và chậm phát triển là 1.627 cây, chỉ chiếm 18,49% số cây được trồng, xuất hiện rải rác tại các hộ dân khác nhau.

Qua đánh giá các cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân dẫn đến một số cây chanh leo chết và chậm phát triển sau khi trồng là do người dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như bón phân trực tiếp vào cây chanh giống mới trồng, đào hố trồng còn nhỏ không đủ kích thước, chưa phun thuốc bảo vệ thực vật, hoặc phun không kịp thời…

Mặt khác, tại thời điểm bắt đầu vụ trồng chanh leo mới sâu bệnh gây hại bùng phát, lây nhiễm từ các vườn trồng chanh đang cho thu hoạch lây sang vườn trồng mới. Mặc dù đã có khuyến cáo của các chuyên viên kỹ thuật của Công ty nhưng một số hộ dân vẫn không mua thuốc phun phòng trừ theo khuyến cáo. Cùng với việc khí hậu năm 2015 có nhiều biến đổi cực đoan như nắng cục bộ, lạnh thất thường, ít mưa, sương muối dẫn đến cây bị khô hạn và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Nhân viên kỹ thuật Công ty CP chanh leo Nafoods đang hướng dẫn người dân trồng chanh leo theo đúng quy trình, kỹ thuật vào sáng ngày 2/1.

Chiều ngày 2/1, trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, chị Vi Thị Duyên (SN 1983, trú tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ) cho biết: “Trong đợt trồng tháng 10/2015 vừa qua tôi và các hộ dân khác trong xã có lấy cây giống chanh leo của Công ty CP chanh leo Nafoods về trồng. Gia đình tôi trồng 200 cây nhưng chỉ bị còi và chết ba cây. Do đúc rút kinh nghiệm từ năm trồng trước nên lần này được cán bộ công ty xuống khuyến cáo mua thuốc về phòng trừ sâu bệnh gia đình chúng tôi đã thực hiện đúng. Có một số hộ gia đình vì không phun thuốc sâu theo khuyến cáo, người ít nhưng lại trồng diện tích lớn nên lượng cây bị chết và còi nhiều hơn nhưng cũng không đáng kể”.

Trao đổi về vấn đề trên ông Lữ Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong :"Giống cây chanh leo do doanh nghiệp sản xuất đã đạt chuẩn chất lượng trước khi cung cấp cho người dân. Năm 2015 giống cây còn đảm bảo hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngày 5/11/2015 cây giống chanh leo của doanh nghiệp đã được Bộ NN & PTNT Việt Nam công nhận.

 

Tuy nhiên, năm nay tình hình thời tiết tại địa phương có nhiều dấu hiệu cực đoan như nắng nóng, khô hạn hơn các năm khác.Vào thời điểm đang độ tuổi lớn lại có đợt lạnh đột ngột và sương mù dày đặc ảnh hưởng quá trình phát triển của cây. Cùng với đó do bà con một số vẫn còn quen lối canh tác nương rẫy lạc hậu nên mặc dù đã được chỉ dẫn và khuyến cáo nhưng một số vẫn không trồng chanh leo đúng cách, khi có sâu bệnh không mua thuốc về phun ngăn ngừa dẫn đến một số cây bị chết và chậm phát triển”.

Kết quả kiểm tra của các ngành chức năng huyện Quế Phong cho thấy số chanh leo bị chết và chậm phát triển vừa qua chỉ chiếm tỷ lệ  18,49% do các yếu tố ngoại cảnh tác động chứ không phải do nguồn cây giống.

Để người dân kịp đưa diện tích trồng chanh leo vào đúng thời vụ nên từ ngày 26/12 – 28/12/2015 phía doanh nghiệp cung ứng cây giống đã hỗ trợ miễn phí 100% số chanh leo bị chết và chậm phát triển. Đồng thời để tránh tình trạng người dân làm sai kỹ thuật trồng cây phía doanh nghiệp cung ứng cây giống đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương cho các nhân viên, cán bộ xuống giám sát, tập huấn, làm mẫu để người dân trồng đúng kỹ thuật. Cùng với đó các nhân viên, cán bộ này cũng thường xuyên đến các diện tích trồng chanh leo của các hộ để xem xét tình hình sâu bệnh tư vấn cho người dân mua thuốc phun phòng ngừa.

“Để đảm bảo người dân kịp thời vụ công ty chúng tôi đã cung ứng miễn phí số cây giống đã bị chết và chậm phát triển cho người dân. Cùng với đó do đồng bào nơi đây còn chưa quen cách trồng cây nông nghiệp công nghệ cao mà vẫn quen theo cách trồng nương rẫy nên để tránh việc người dân trồng sai kỹ thuật chúng tôi cũng đã phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên tập huấn, xuống trực tiếp tận nơi để chỉ người dân cách trồng chanh leo đúng quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó trước khí hậu thay đổi tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển chúng tôi cũng đã cho nhân viên thường xuyên có mặt tại các diện tích chanh leo của người dân để xem tình hình sâu bệnh và tư vấn người dân mua loại thuốc nào về phun với từng loại sâu bệnh”, ông Phạm Duy Thái,  Giám đốc Công ty CP chanh leo Nafoods cho biết.

Chanh leo giúp dân thoát đói nghèo

Kể từ năm 2010, chanh leo được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc tại huyện miền núi Quế Phong.

 

Ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng ban PTNT miền núi huyện Quế phong cho biết: “Vùng đất khó khăn, biên giới xã Tri Lễ những năm gần đây đã dần “thức tỉnh” để thay da đổi thịt cho mình, cuộc sống của bà con đã sung túc và no đủ hơn xưa. Thành quả đó là nhờ một phần không nhỏ từ hiệu quả kinh tế mà cây chanh leo mang lại".

Nhờ thu hoạch khá từ việc trồng chanh leo nguyên liệu nên sau vụ mùa vừa qua gia đình anh Lương Văn Ngọc đã có tiên mua thêm một con bò giống và một ít tiền tiết kiệm.

Cụ thể như tại gia đình anh Vi Văn Sơn (trú tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ) chỉ trong 3 tuần thu hoạch cuối tháng 4/2015 với 1,3 ha chanh leo gia đình đã thu về hơn 10 tấn quả, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo dự tính thì diện tích trên sẽ tiếp tục cho thu hoạch thêm 20 tấn quả cho tới hết vụ.

Theo anh Sơn, đất ở đây thuộc dạng “đất hở”, mới nắng đã khô, mưa xuống là nhão không giữ được nước nên việc canh tác các loại cây thực sự khó khăn. Trước đây, người dân ngoài diện tích ngô, lúa rẫy thì gia đình anh chỉ có thể trồng thêm cây keo nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất thấp, lâu mới có thu nhập và không thường xuyên.

Trước đây, gia đình anh,trồng keo 20 năm mà chỉ thu về có 11 triệu đồng. Bởi cây đã chậm lớn, đến khi thu hoạch cũng chẳng thể vận chuyển đi tiêu thụ bởi đường vào lắt léo, nhỏ hẹp nên cái đói, cái nghèo cứ bám theo gia đình anh mãi. Tới năm 2010, gia đình anh và nhiều hộ dân của bản mới thoát nghèo nhờ trồng cây chanh leo.

Nhân viên kỹ thuật vườn ươm của Công ty CP chanh leo Nafoods đang kiểm tra sự phát triển và thích nghi của cay giống trước khi bàn giao cho người dân trồng.

Anh Lương Văn Ngọc (SN 1990, trú tại bản Yên Sơn,xã Tri Lễ) hồ hởi khoe: “Vụ mùa năm 2014 gia đình tôi trồng chanh leo thu hoạch được hơn 3,5 tấn quả được hơn 35 triệu đồng. Thấy hiệu quả nên trong đợt trồng tháng 9/2015 gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 200 gốc nữa. Ngoài 4 cây bị chết và còi cọc do bệnh thì số còn lại nay đã leo giàn, bắt đầu ra hoa.

 

Trước trồng sắn và trồng keo vừa lâu thu hoạch lại tốn kém nên đói mãi. Nay trồng chanh leo không có vốn thì được hỗ trợ cả cây giống, cả phân bón, thuốc trừ sâu bệnh chỉ cần chăm chỉ bỏ công 4 tháng sau đã có thu hoạch. Đến khi đó phía cấp giống lại thu mua nên không lo đầu ra và khi đó cũng mới phải trừ tiền cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu trước đó.

Cây chanh leo có thể thu hoạch cả năm nên gia đình khi nào cũng có thu nhập đều nên không lo đói, lo nghèo nữa. Vụ chanh vừa rồi sau khi trừ chi phí gia đình tôi còn mua được con bò và một ít tiền tích cóp nữa”.

Từ năm 2010 đến nay nhiều hộ gia đình tại xã Tri Lễ đã thoát đói nghèo nhờ trồng chanh leo nguyên liệu và hiện nhiều hộ gia đình vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Chiều ngày 2/1, có mặt tại vùng chanh leo nguyên liệu xã Tri Lễ, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận nhiều hộ dân đang trồng mới thêm nhiều diện tích chanh leo. Các hộ dân có chanh leo chết và còi cọc cũng đang được nhân viên Công ty CP chanh leo Nafoods chỉ dẫn cách trồng lại số cây vừa được cấp miễn phí. Nhiều người dân cho biết sẽ tiếp tục mở rộng trồng diện tích chanh leo vì loại cây này nhanh cho thu hoạch, mỗi lứa trồng có thể thu hoạch 2 đến 3 năm nên vừa đỡ công trồng, chăm sóc mà cho thu hoạch liên tục, đạt hiệu quả cao.

Để cây chanh leo “bén rễ” và nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực tại các huyện miền Tây Nghệ An, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu biết chủ trương về phát triển cây chanh leo; tăng cường tập huấn để nhân dân nắm rõ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc cây. Bên cạnh đó giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương phát triển cây chanh leo cần xây dựng quy trình cấp giống, chăm sóc, yêu cầu người dân ký cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Sau khi xác định rõ nguyên nhân cây chanh leo chết và chậm phát triển thời gian qua, phía chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong quy trình cấp giống và tăng cường công tác truyên truyền, tập huấn cho bà con dân tộc để đảm bảo cây chanh leo phát triển tốt đem lại lợi ích cho người bà con, doanh nghiệp, góp phần công cuộc xóa đói giảm nghèo làm thay đổi diện mạo vùng rẻo cao biên cương Quế Phong, Nghệ An. Nhờ chanh leo mà từ năm 2010 đến nay đời sống bà con xã vùng cao biên giới Tri Lễ đã có nhiều khởi sắc. Số hộ đói nghèo đã giảm rõ rệt, đời sống bà con ngày càng khấm khá, no đủ. Cũng nhờ chanh leo mà bà con không phải du canh du cư đốt nương làm rẫy như trước đây nữa. Theo kế hoạch chúng tôi còn phát triển vùng chanh leo nguyên liệu để xóa nghèo tại 3 xã Nậm Nhóong, Nậm Giải và Tri Lễ với tổng diện tích 1.500ha”.

 

Nên đọc
Xuân Hòa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo