Làm sao để khỏi bệnh… ghét người?
Tôi quen một nghệ sĩ rất có tài và hơi lập dị, ông bảo càng ngày tôi càng ít đọc báo, ít ra đường, bởi cứ ra đường là cái bệnh…ghét người nó trỗi dậy, mặc dù trong thâm tâm, ông tha thiết yêu con người lăm lắm.
Phải rồi, thưa ông, chẳng cần mang một trái tim nghệ sĩ mong manh và đầy mẫn cảm, chỉ là người thường thôi, mà cứ chăm chỉ đọc báo hàng ngày thì rồi không sớm thì muộn chúng ta cũng nhanh chóng mắc bệnh căn bệnh trầm kha, bệnh ghét người.
Mới hôm trước thôi, người phụ nữ bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện, nói là vì bị sảy thai, vì muốn giữ chồng, đã làm tốn bao nước mắt của những bà mẹ có trái tim yếu đuối và dễ cảm thông với phận đàn bà bị phát giác là nằm trong đường dây bắt cóc và buôn bán trẻ. Những người trót dành cho cô ta chút tình thương dạo ấy, giờ có còn thương nổi không?
Một người phụ nữ khác, đã giữ chân em gái để cho chồng mình hiếp dâm, đứa bé mới 8 tuổi đầu! Chỉ cần đọc cái tít báo thôi đã thấy rùng mình ghê sợ. Chị em gì, tình nghĩa gì cái thứ đàn bà ấy. Hỏi có ai thương nổi không?
Lại chuyện một cô học trò cấp III ở Quảng Ninh, lừa cho bạn uống thuốc kích dục, rồi bán bạn như một món hàng, lấy 4 triệu đồng ăn chơi đàn đúm. Ừ thì chúng trẻ người non dạ, như con cháu mình thôi, nhưng có thương nổi không?
Một gã thanh niên 20 tuổi đi cướp với thủ đoạn chặt tay tàn độc, ra tòa còn nhe nhởn cười, nụ cười Lê Văn Luyện. Khi hắn bị tuyên án tử, bên ngoài là người vợ không hôn thú bồng đứa con 8 tháng tuổi chưa được làm giấy khai sinh ngã quỵ xuống. Mẹ già của hắn rồi đây sẽ phải có trách nhiệm lo cho bầy cháu 12 đứa, toàn của những đứa con gái bị chồng bỏ, con trai tàn tật, con trai bị tử hình. Những cảnh đời như một bộ phim rách nát, cũng phải cố chắp nối lại mà tìm nỗi xót thương.
Có ai hỏi tại sao xã hội này ngày mỗi ngày lại dày thêm tội ác, những con người này ngày mỗi ngày lại càng trở nên thú tính, sẵn sàng đâm chém giết chóc buôn bán nhau, chà đạp lên nhau?
Sẽ có hàng trăm hàng ngàn đáp án cho câu hỏi ấy. Thất học, đói nghèo, hoàn cảnh xô đẩy, môi trường sống tiêu cực… nhưng có ai nghĩ rằng, chính chúng ta- những con người bình thường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong sự xuống cấp của đồng loại mình?
Chúng ta đã lặng im, đã vờ như không biết vì đồng tiền mà biết bao giá trị nhân văn trong cuộc đời bị xóa sổ. Ngành giáo dục đã thản nhiên chấp nhận khi thấy điểm thi Sử bị hàng ngàn điểm 0, môn Sử đã gần như bị tiêu diệt khi năm nay Bộ Giáo dục xếp nó vào môn thi tự chọn, thi cũng được, không thi cũng chẳng sao. Ngành khoa học xã hội và nhân văn bị rẻ rúng, những môn học nghiên cứu và đề cao phần hồn của con người bị xem thường.
Và giờ thì chúng ta có gì?
Chúng ta có rất nhiều những con người đã bị phá hủy tới mức hầu như không còn đời sống cảm xúc, đã trơ lỳ với cái xấu, đã vô cảm với cái tốt đẹp, không còn biết rung động trước một điều tử tế, lương thiện là gì.
Rất nhiều nhân cách lớn mà tôi đã gặp, chỉ tha thiết mong mỏi một điều, rằng con người chúng ta phải biết xấu hổ, phải tập thói quen xấu hổ trước những việc làm xấu. Nhà thơ Lê Đạt lúc sinh thời thường nói: “Tôi coi thói quen biết xấu hổ là một phản xạ có điều kiện của trí tuệ và của một nền văn hiến”.
Để nền đạo đức của cả xã hội xuống cấp không phải là trách nhiệm của riêng ai, càng không phải là của riêng một nhóm người suốt ngày ra rả nói những điều đó mà thực tâm lại là những kẻ xuống cấp nhất. Nếu mỗi cá nhân không tự ý thức được sự xuống cấp của mình mà cứu vớt chính bản thân thì tất cả chúng ta sẽ cùng chìm xuống đáy.
Người nghệ sĩ tôi kể trên có thể chọn một cách phản ứng có vẻ tiêu cực, bớt ra đường, bỏ đọc báo xem TV nghe đài, nhưng ông không đầu hàng cái xấu. Ông vẫn ngồi nói với chúng tôi, hoặc với bạn bè, lớp đàn em đàn cháu của ông hàng giờ về cái Đẹp, về sự hướng thượng. Ông nói về những điều mà Thượng đế đã lựa chọn, trao gửi để con người có thể duy trì thế giới này, đời sống này theo một hướng tốt đẹp, tử tế và nên thơ hơn.
Trở lại với tất cả những con người xấu xa đã gây nên tội ác ở trên, họ có đáng để bị người đời căm ghét hay không, đáng lắm chứ. Nhưng gượm đã, chúng ta hãy cố mà thương lấy họ, cũng là để chữa căn bệnh “ghét người” đang trỗi lên trong mình.
Họ là nạn nhân của những thứ xấu xa trong cuộc đời này, là nạn nhân của chính cuộc đời họ. Và sẽ còn nhiều những người như vậy nữa, nếu như mỗi ngày, mỗi người chúng ta không cố làm thêm một việc tốt, nói một lời tử tế, rung động trước một điều gì đó đẹp đẽ, thánh thiện xung quanh mình.
Vì mỗi khi bạn làm một điều tốt, bạn lại tiến sâu hơn vào trong cõi người, nhân rộng cõi người ấy ra hơn một chút, có phải vậy hay không?
End of content
Không có tin nào tiếp theo