Pháp luật

Làm sao để ngăn ngừa bán tài sản cho nhiều người?

Một tài sản có thể được đem đi làm hợp đồng công chứng ở nhiều đơn vị công chứng khác nhau và đều được xác nhận là giao dịch hợp pháp. Kẽ hở này dẫn đến việc một tài sản được đem thế chấp ở nhiều nơi, hoặc bán cho nhiều người khác nhau, nhằm mục đích lừa đảo.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đưa ra đánh giá trên, khi trao đổi với Tiền Phong về những lỗ hổng giao dịch mua bán, thế chấp tài sản mà tội phạm lợi dụng để thực hiện lừa đảo.

 

Công chứng viên dễ bị “qua mặt”?

 

Thời gian gần đây, Công an Hà Nội đã điều tra, khám phá hàng loạt vụ lừa thế chấp, bán một tài sản cho nhiều người, ở nhiều nơi. Qua các vụ án cho thấy, các đối tượng chủ yếu lừa đảo trong lĩnh vực đất đai, tài sản có giá trị lớn nên hậu quả cũng rất lớn.

 

Tháng 3 vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây làm sổ đỏ giả liên tỉnh có quy mô lớn, bắt 6 đối tượng, thu hàng chục sổ đỏ giả.

 

Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Thị Bằng An (SN 1959, ở Từ Liêm, Hà Nội), Giám đốc Công ty Cổ phần Bằng An (Mê Linh, Hà Nội) đã câu kết với nhiều đối tượng để làm giả 8 sổ đỏ trên cùng mảnh đất có diện tích trên 450 m2 của bố đẻ ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, rồi đem đi lừa bán cho 4 người, chiếm đoạt 17 tỷ đồng.

 

Quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện nhiều sổ đỏ giả được các đối tượng làm giả nội dung trên nền phôi sổ đỏ thật. Thậm chí, việc mua bán nhà được thực hiện qua công chứng, nhưng công chứng viên và người mua không phát hiện được sổ đỏ giả.

 

Cách đây vài ngày, Công an Hà Nội cũng đã bắt giam ông Hoàng Văn Sự (SN 1957, nguyên công chứng viên Phòng công chứng số 5 Hà Nội) về hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Ông Sự là người làm thủ tục công chứng 5 “hợp đồng góp vốn” giữa bà Trần Thu Huyền (SN 1952, nguyên Tổng giám đốc Công ty Sơn Châu Á và các cá nhân khác mà không phát hiện ra các giấy tờ mà bà Huyền trình ra là giấy tờ giả mạo, để bà này lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

 

Theo thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, một số đơn vị công chứng hiện nay hoạt động theo kiểu thu phí dịch vụ là chính, bỏ qua khâu thẩm định tài sản có thuộc sở hữu hợp pháp của người tham gia giao dịch hay không.

 

“Thậm chí, có Văn phòng công chứng còn giải thích, họ đã đóng bảo hiểm, nếu công chứng nhầm thì bên bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại xảy ra, nếu có”- thượng tá Hùng kể.

 

Nhiều kẽ hở

 

Cũng theo thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, không chỉ trong hoạt động công chứng, mà trong công tác quản lý giao dịch tài sản đảm bảo hiện cũng bất cập. Do không kết nối được dữ liệu giao dịch nên nhiều giao dịch trùng tài sản mà không được phát hiện.

 

Bên cạnh đó, các quy định về cho vay chưa được chặt chẽ và thống nhất, nhưng lại nảy sinh việc một số tổ chức tín dụng, nhân viên còn cố tình làm trái các quy định để cho vay, nhằm hưởng phần trăm từ khoản tài chính cho vay.

 

Chính vì vậy, việc kiểm tra tài sản thế chấp rất lỏng lẻo, không phát hiện được tài sản đã được đem thế chấp, cầm cố ở đâu hay chưa,dẫn đến việc một tài sản được đem thế chấp ở nhiều nơi khác nhau. “Lợi dụng các kẽ hở trên, tội phạm đã nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn khiến người bị hại sập bẫy.

 

Các cá nhân, doanh nghiêp và tổ chức tín dụng lại chủ quan hoặc buông lỏng các quy định thẩm tra nên dễ bị lừa”- thượng tá Hùng nói.

 

Đưa ra giải pháp hạn chế, ngăn chặn những vụ lừa đảo dạng này, thượng tá Hùng cho rằng: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nghiên cứu, thắt chặt quy định cho vay, thẩm định tính hợp pháp của tài sản đưa ra thế chấp.

 

Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng phải siết lại những kẽ hở trong hoạt động công chứng, nâng cao và gắn trách nhiệm, hậu quả pháp lý của các đơn vị công chứng cũng như công chứng viên khi công chứng giao dịch bất hợp pháp.

 

 

Theo Tiền Phong

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo