Làm sao để thắng kiện như Lilama?
Những trường hợp hiếm hoi khi doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng tại nước ngoài đã trở thành tiền lệ tốt cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia kinh doanh trên môi trường toàn cầu.
Không chỉ là chuyện một doanh nghiệp thắng kiện
Vụ việc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) vừa thắng kiện Tập đoàn Power Machinery (Liên bang Nga), buộc tập đoàn này và bên liên quan là Ngân hàng Ngoại thương Nga phải thanh toán 4,2 triệu USD đã khiến nhiều doanh nghiệp “nể”. Năm 2003, LILAMA được giao Tổng thầu EPC gói thầu thiết bị công nghệ chính Dự án nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Giá trị hợp đồng EPC gần 300 triệu USD (quy đổi).
Để thực hiện hợp đồng này, LILAMA thuê lại một số nhà thầu phụ trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn Power Machinery. Tổng giá trị hợp đồng giữa LILAMA và Power Machinery có giá trị 82 triệu USD. Hợp đồng được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam và tuân thủ các điều kiện chung theo Mẫu về hợp đồng quốc tế trong xây dựng (FIDIC). Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, theo yêu cầu của Power Machinery và chấp thuận của LILAMA, Ngân hàng Ngoại thương Nga phát hành Thư bảo lãnh giá trị 10% hợp đồng, bằng 8,2 triệu USD. Sau một thời gian thực hiện, các bên thỏa thuận sửa đổi Thư bảo lãnh, giảm giá trị tương ứng với giá trị còn lại của hợp đồng, bằng 4,2 triệu USD.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, LILAMA và Power Machinery có tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh. Power Machinery đề nghị LILAMA thanh toán một số tiền phát sinh và hỗ trợ khác. LILAMA không chấp nhận, tháng 10/2010 Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng và khởi kiện LILAMA ra Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, đề nghị Tòa buộc LILAMA thanh toán tiền và công nhận chấm dứt hợp đồng giữa LILAMA và Power Machinery.
Vụ việc trên đã đẩy LILAMA vào hai thách thức pháp lý có thể xảy ra. Thứ nhất là thách thức pháp lý tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội trước yêu cầu của Power Machinery đòi LILAMA thanh toán tiền. Thứ hai là LILAMA phải yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán 4,2 triệu USD tiền bảo lãnh do bên được bảo lãnh - Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sau nhiều phiên hòa giải không thành, Tòa án Hà Nội quyết định đưa vụ việc ra xét xử. Phiên tòa sơ thẩm ngày 28/9/2011 bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Power Machinery. LILAMA không phải trả cho Power Machinery bất kỳ đồng nào. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán 4,2 triệu USD tiền bảo lãnh cho LILAMA.
Bài học phòng bị trên hợp đồng
Các doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng cần có luật sư tư vấn và nên chú trọng các điều khoản ràng buộc. |
Luật sư Trần Vũ Vương (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) người được LILAMA chỉ định là người đại diện theo ủy quyền đã chia sẻ: Doanh nghiệp lớn khi kinh doanh cần thành lập bộ phận pháp chế chuyên trách, chuyên nghiệp để tham mưu, giúp lãnh đạo trong viêc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng cần có luật sư tham vấn khi cần thiết.
Đồng tình, theo LS Vũ Hữu Thức – Đoàn LS Hà Nội, trong tranh chấp thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam thường bị yếu thế khi không chú trọng tới các điều khoản ràng buộc. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự nghĩ ra hoặc sử dụng những hợp đồng có sẵn khi ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế. Điều này khiến họ thường bị đối tác ép vào thế bất lợi trong từng điều khoản.
Các doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng thương mại quốc tế cần có luật sư tư vấn và cần chú trọng các điều khoản ràng buộc. Ví dụ đưa thêm điều khoản “Bên thua kiện sẽ chịu toàn bộ các chi phí pháp lý phát sinh” hay đưa thêm điều khoản “ràng buộc trọng tài” vào các bản hợp đồng, thoả thuận kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể mua bảo hiểm tranh chấp để đề phòng rủi ro có thể xảy ra. Trong hợp đồng hoặc thỏa thuận kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần có điều khoản “giới hạn trách nhiệm hay thiệt hại”. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể giới hạn các khoản tiền trách nhiệm hay thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp có thể phải chịu nếu có điều gì đó sai.
Đối với các cơ quan chức năng, Chính phủ, Bộ Tư pháp cần thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, ký kết thêm hoặc sửa đổi, bổ sung Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia có quan hệ kinh tế với Việt Nam, làm công cụ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình trong các tranh chấp quốc tế.
Tiền lệ khác từ Vinacam Ngày 26/12/2008, Vinacam ký hợp đồng với Keytrade mua 25.000 tấn phân urê với giá 239 USD/tấn xuất xứ hàng hóa từ Nga hoặc Ukraine, thời hạn giao hàng chậm nhất ngày 31/1/2009. Nhưng sau khi Vinacam mở tín dụng thư (LC) ngày 02/1/2009, đến 08/1/2009, Keytrade thông báo tình trạng bất khả kháng của hợp đồng do nguồn khí đốt (nguyên liệu chế biến phân urê) từ Nga sang Ukraine bị ngưng nên Keytrade không thể cung cấp phân urê cho Vinacam. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh vừa tuyên án buộc Tập đoàn đa quốc gia Keytrade phải bồi thường thiệt hại cho Công ty CP Vinacam Việt Nam 43,6 tỉ đồng. Theo tòa phúc thẩm, hợp đồng quy định Keytrade có trách nhiệm giao phân urê xuất xứ từ Nga hoặc Ukraine nên việc cung cấp khí đốt từ Nga sang Ukraine bị gián đoạn không ảnh hưởng gì đến sản xuất phân urê của Nga. Do đó, khi không có hàng từ Ukraine thì Keytrade phải tìm nguồn thay thế. |
Thảo Anh (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo