Làm thế nào để đưa hàng Việt lên Amazon và bán đi khắp thế giới?
Thông qua Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Amazon sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng Amazon, tiếp cận với khách hàng tại các thị trường quốc tế.
Quy trình xuất khẩu hàng thông qua nền tảng Amazon
Nói nôm na, Amazon sẽ kết nối người bán tại tại Việt Nam với người mua toàn cầu. Bằng công cụ Fullfillment by Amazon (FBA), Amazon làm kho, đóng gói và vận chuyển hàng đến cho người mua, chăm sóc khách hàng tại thị trường quốc tế.
So với các phương thức xuất khẩu truyền thống cần qua nhiều trung gian nhập khẩu và phân phối, việc xuất khẩu qua Amazon đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tại sự kiện, ông Gijae Seong – Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore chia sẻ: "FBA giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, hoàn thiện đơn hàng, phân phối sản phẩm tới khách hàng." Ngoài ra, doanh nghiệp Việt sẽ được tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ trên Amazon dưới chính tên thương hiệu mình.
Tại diễn đàn, chuyên gia Phạm Khánh, FBA Trainer - người từng có 3 năm kinh nghiệm đưa hàng qua Amazon, trình bày cụ thể về các bước đưa hàng Việt lên Amazon: Sau khi đăng ký tài khoản người bán, doanh nghiệp liệt kê và điền thông tin sản phẩm, đóng gói và chuyển hàng từ Việt Nam qua kho của Amazon. Sau đó Amazon sẽ phân phối hàng hóa tới khách hàng.
Về phương thức thanh toán, ông Khánh cho hay: "Ở thị trường nước ngoài, khách hàng sẵn sàng thanh toán bằng tiền trước. Amazon sẽ đứng ra thu tiền và chuyển tiền cho người bán." Theo ông Khánh, người bán Việt cần có tài khoản ngân hàng ở Mỹ để nhận tiền từ Amazon.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng
Xuất khẩu qua Amazon mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ với tiềm lực về tài chính, nhân lực hạn chế. Tuy nhiên, để thành công trong quy trình đưa hàng từ Việt Nam sang Amazon, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng.
Về thủ tục đăng kí tài khoản trên Amazon
Người bán có 2 lựa chọn tài khoản. Tài khoản cá nhân "free individual" – miễn phí, đơn giản nhưng nhiều giới hạn, trong khi đó tài khoản doanh nghiệp "professional" lại yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh.
Về nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng thị trường nước ngoài
"Có sản phẩm mở Việt Nam bán được nhưng đưa sang Mỹ thì người ta lại không thích kiểu này," ông Khánh cho biết. Nghiên cứu thị trường là lời khuyên ông Khánh dành cho các doanh nghiệp Việt, bao gồm tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, xu hướng của khách hàng và nghiên cứu đối thủ trên thị trường. Sau đó, cần thiết kế, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng quốc tế.
Để tránh việc doanh nghiệp gửi hàng qua quá nhiều nhưng không bán được, Amazon có giới hạn số lượng nhất định cho người bán. "Nên đưa sang một số lượng vừa phải thôi. Amazon cũng giới hạn số lượng, khi nào bán được thì mới cho tiếp," ông Khánh chia sẻ.
Về kiểm soát chất lượng hàng hóa
Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi: "Việc hàng nhái hàng giả được bán dễ dàng sẽ ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính. Amazon có cách gì để kiểm soát chất lượng sản phẩm không?" Ông Khánh cho biết phía Amazon yêu cầu có những giấy tờ cần thiết tương tự như việc đăng kí sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần giấy chứng nhận FDA đối với các mặt hàng chăm sóc sức khỏe cho con người và động vật. Để đơn giản, doanh nghiệp nên hợp tác với các đơn vị hỗ trợ có chuyên môn và kinh nghiệm.
Ngoài ra, tại diễn đàn, ông Phạm Khánh cho biết Amazon tính phí FBA dựa vào nhiều yếu tố như loại mặt hàng, kích cỡ unit, và phí trung bình khoảng 30% giá trị sản phẩm, trong đó có khoảng 15% phí đóng gói, vận chuyển tại thị trường quốc tế. Về việc vận chuyển hàng từ Việt Nam sang kho của Amazon, ông Khánh cho biết doanh nghiệp Việt phải tự tìm các đối tác logistics để vận chuyển hàng qua cho Amazon.
Như vậy, từng bước trong chuỗi quy trình đưa sản phẩm từ Việt Nam sang kho hàng của Amazon: từ thủ tục, làm giấy tờ sản phẩm, vận chuyển… đều đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng và cần hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Trên thực tế tại Việt Nam, vì việc xuất khẩu bằng thương mại điện tử xuyên biên giới đang ở giai đoạn đầu nên cơ hội lớn và rào cản cũng nhiều. Và doanh nghiệp Việt nếu muốn đi đến cùng và không nản lòng thì cần chuẩn bị thật kỹ. Sự bắt tay chính thức của Amazon với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, qua đó cung cấp thông tin, khóa đào tạo và kết nối doanh nghiệp với các bên cung ứng dịch vụ hỗ trợ, hứa hẹn sẽ tháo gỡ những rào cản, là cú hích cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại nước ta.
End of content
Không có tin nào tiếp theo