Làm thế nào để vực dậy hàng Việt tại thị trường trong nước?
“Hàng Việt không thua kém ở vấn đề chất lượng, nhưng chúng ta kém ở khâu cung ứng và phân phối, khắc phục được những yếu tố này sẽ giúp hàng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước”.
Đây là nhận định chung của các nhà sản xuất và phân phối tại Hội thảo “Liên kết tiêu thụ hàng Việt” diễn ra sáng 7/6 tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện Saigon Co.op đang tung ra 9 nhóm hàng hóa là gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Trong 9 nhóm này, Saigon Co.op ưu tiên các nhà cung cấp trong nước.
Ngoài ra, các hệ thống phân phối của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra cũng có mặt các thương hiệu Việt khác như các dòng sản phẩm sữa của Vinamilk và Nutifood, mì ăn liền của Vifon, thủy sản đông lạnh của Phú Cường, nước mắm của Liên Thành, cá hộp của Seapemex...
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Saigon Co.op đã ưu tiên tiêu thụ hàng Việt ngay từ ngày thành lập Cop.op Cống Quỳnh năm 1996. Năm 1997, Saigon Co.op đã có chương trình cho hàng Việt. Đến năm 2013, Saigon Co.op có 600 nhà cung cấp trong nước và đến nay đã mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp Việt tham gia.
Vị Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, có 3 điều kiện để đưa hàng Việt vào hệ thống, trong đó, quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm phải được duy trì ổn định. Tuy nhiên, hiện Saigon Co.op đang gặp khó ở khâu vận chuyển.
“Chúng tôi ưu tiên tìm doanh nghiệp sản xuất hàng đặc sản vùng miền nhưng phần lớn các doanh nghiệp này sản xuất nhỏ lẻ, hàng hóa không ổn định. Tuy nhiên, đến khi chúng tôi tiêu thụ mạnh, hàng hóa sản xuất quy mô lớn thì lại vướng khâu vận chuyển. Đây là cái khó của các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt”, ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.
Do đó, theo ông Nhân, điều không kém phần quan trọng là cả bên sản xuất và bên tiêu thụ phải hợp tác chặt chẽ để tổ chức tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng và phát triển mạng lưới phân phối, trong đó tập trung giải quyết khó khăn ở khâu vận chuyển và bảo quản.
“Có không ít trường hợp hàng đã được chọn nhưng khi chúng tôi đặt hàng thì hàng đó không đến được điểm bán, lúc này nhiều hàng hóa khác đã chực chờ thay thế nên cơ hội cho hàng đó đã mất. Đây là sự bị loại không cần thiết”, ông Nhân chia sẻ.
Theo các nhà phân phối, ngoài vấn đề chất lượng ổn định, công tác hậu cần tốt, yếu tố mẫu mã cũng là một tiêu chí không thể bỏ qua. “Cùng một chủng loại hàng như nhau, chất lượng như nhau thì chúng tôi sẽ ưu tiên sản phẩm nào có thiết kế, mẫu mã độc đáo”, một nhà phân phối bật mí.
Ngoài ra, một trong những trở ngại “cố hữu” của hàng Việt đó là giá cả không ổn định, khâu trung gian tổ chức phức tạp khiến công tác cạnh tranh không bình đẳng, tranh mua tranh bán, gây nhiễu loạn thị trường. Đại diện thương hiệu Vissan cho biết, đơn vị này không “quản” được vấn đề biến động giá. Hôm nay bán nhưng không biết ngày mai như thế nào.
Từ năm 2010, trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, Vissan đã quyết định thay đổi phương thức kinh doanh. Theo đó, Vissan đã chuyển từ kênh đại lý sang kênh phân phối. Cụ thể, Vissan đã tinh giản 1.000 đại lý xuống thành 100 kênh phân phối. Hiện các sản phẩm của Vissan đã rải ra được khoảng 300.000 điểm bán. Nhờ đó, năm 2013, Vissan đã vực dậy, doanh số tăng trưởng 10% so với năm 2012.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food) cho biết, sau thời gian tập trung cho xuất khẩu, hiện đơn vị này đang nghiên cứu những dòng sản phẩm đặc biệt để phục vụ thị trường trong nước, trong đó, có một số sản phẩm xuất ra thị trường đã đạt được tỷ lệ chấp nhận cao từ người tiêu dùng.
“Hiện 70% sản phẩm do Saigon Food sản xuất đã có mặt tại hệ thống các siêu thị, cá biệt có vài sản phẩm đạt tỷ lệ chấp nhận từ kênh siêu thị tới 90%”, bà Lê Thị Thanh Lâm cho hay.
Có thể thấy rằng, vấn đề của hàng Việt hiện nay không nằm ở yếu tố chất lượng, riêng mảng tiêu dùng, các nhà sản xuất trong nước đã cho ra đời nhiều sản phẩm có thể sánh ngang hàng ngoại nhập, thậm chí tốt hơn.
Tuy nhiên, để tiêu thụ hàng Việt một cách bền vững còn nhiều vấn đề phải làm. Để thuyết phục người tiêu dùng và thay đổi thói quen mua sắm của họ đòi hỏi các nhà sản xuất và phân phối phải đặt khách hàng ở vị trí cao hơn lợi nhuận của họ.
Theo Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Cột tin quảng cáo