Lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam chính thức chung tay giảm cầu sừng tê giác
Ngày 01/04/2014, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm “Cộng đồng doanh nghiệp chung tay giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam”. Chương trình do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và tổ chức Humane Society International phối hợp với Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) tổ chức.
Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam chính thức chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là việc tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng Tê giác để cứu giúp loài động vật này trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Hội thảo nhằm thu hút sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các doanh nghiệp trong công tác bảo tồn động vật hoang dã. Hội thảo có sự tham dự của đại diện 50 doanh nghiệp, hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau sẽ cùng tham gia nói KHÔNG với việc mua, bán, vận chuyển và sử dụng sừng Tê giác. Nhiều tài liệu tập huấn, bao gồm nội dung chỉ đạo của Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo tồn các loài động vật hoang dã và hơn 25,000 cuốn truyện tranh về Tê giác đã được phát cho các doanh nghiệp tham gia để phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến thông tin tại chính các doanh nghiệp.
Kể từ ngày chính thức phát động chương trình tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng Tê giác ở Việt Nam do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và tổ chức Humane Society International (27/82013), tính đến thời điểm hiện tại, chương trình này đã tiếp cận được đến hàng triệu người dân Việt Nam bằng nhiều hình thức tuyên truyền rất đa dạng. Chương trình đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan liên quan như: các cơ quan Chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, hội phụ nữ, các tổ chức phi Chính phủ, các trường đại học, trường mầm non cũng như người dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau: trên xe buýt, tại sân bay và ở trung tâm thương mại.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết: “Tuyên truyền một cách rộng rãi thông điệp về giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác có vai trò quan trọng để bảo vệ tê giác. Đây là một vấn đề cấp thiết mà cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết. Tuyên bố Luân Đôn đã được 46 quốc gia , bao gồm Việt Nam và 10 tổ chức quốc tế thống nhất đã ghi nhận tầm quan trọng của việc gắn kết lĩnh vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc chiến chống lại vấn nạn buôn bán trái phép loài hoang dã. Trên cơ sở đó, chúng tôi hi vọng rằng sự hợp tác giữa Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, tổ chức Humane Society International, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập – Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào việc thực thi các cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu về bảo tồn các loài động vật hoang dã.”
Hiện trên thế giới còn khoảng 28,000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Hai trong số năm phân loài tê giác phân bố ở Châu Phi và ba phân loài còn lại phân bố ở Châu Á. Trong năm 2013, 946 cá thể tê giác đã bị săn trộm ở Châu Phi, nơi có nhiều quần thể tê giác nhất sinh sống. Có hơn hai cá thể tê giác bị săn trộm mỗi ngày. Tê giác bị săn trộm để lấy sừng để phục vụ cho nhu cầu ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. |
Bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài Hoang dã của HSI chia sẻ: “Tê giác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nhu cầu lấy sừng của chúng. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác cùng với cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ góp phần giảm nhu cầu sử dụng tê giác ở Việt Nam và cứu loài tê giác khỏi bị tuyệt chủng.”
Ông Vũ Quang Trạch, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập – Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam đánh giá: “Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài tê giác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Doanh nhân là những người có đủ điều kiện về kinh tế và cũng là đối tượng có nhiều nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Vì vậy, qua chương trình này tôi hy vọng nhận thức của các doanh nhân nói riêng và mọi người dân nói chung về vấn đề sử dụng sừng tê giác và ý thức bảo vệ loài động vật này sẽ thay đổi”.
Tại hội thảo chương trình thảo luận giữa các doanh nhân về vấn đề tuyên truyền giảm cầu sừng tê giác đã diễn ra sôi nổi, nhiều doanh nhân cho rằng chương trình này cần được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa bằng nhiều hình thức khác nhau như qua các trang mạng xã hội, truyền thông qua internet ... Vì theo đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo cho biết, hiện nay nhiều người trong giới doanh nhân còn chưa hiểu rõ tác dụng của sừng tê giác đối với sức khỏe cũng như thực trạng săn bắn, giết hại loài tê giác hiện nay. Đồng thời trên các trang mạng mặt hàng sừng tê giác được rao bán rất nhiều, công khai và chưa có biện pháp xử lý.
Đồng thời, bắt đầu từ ngày 1/4/2014, một chương trình bảo tồn động vật vật hoang dã đặc biệt, tập trung vào tê giác và một số loài quan trọng khác sẽ chính thức được đăng tải trên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập và Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn) nhằm giúp giới doanh nghiệp ở VIệt Nam có thêm thông tin để tham gia sâu rộng hơn vào các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Mặc dù kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên vẫn có những lời đồn thổi về công dụng chữa bệnh ung thư hoặc hạ sốt. Một số người còn dùng sừng tê giác để giải rượu. Sừng tê giác có cấu tạo bằng chất “keratine”, hoàn toàn giống với móng tay của con người. Để giúp tê giác không bị săn trộm, người ta đã tiêm các hoá chất độc hại vào sừng tê giác. |
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo