Thị trường

Lần đầu tiên, ngân hàng Việt phải tuân thủ một đạo luật Mỹ

Lần đầu tiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải tuân thủ một đạo luật của Mỹ (Đạo luật FATCA - Foreign Account Tax Compliance Act). Việc tuân thủ đạo luật này, sẽ khiến các ngân hàng Việt Nam tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, nếu muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu, các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc.

Được ban hành với mục đích ngăn chặn việc trốn thuế của các “công dân Mỹ”, đối tượng chịu thuế thu nhập ở Mỹ thông qua các tài khoản tài chính ở nước ngoài, nhưng Đạo luật FATCA (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) lại tác động rất nhiều đến hoạt động của các ngân hàng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
Cụ thể, FATCA yêu cầu tất cả định chế tài chính ở nước ngoài phải thỏa thuận đồng ý báo cáo cho cơ quan thuế Mỹ một số thông tin về các tài khoản tài chính mà chủ tài khoản là cá nhân hoặc pháp nhân Mỹ. Nếu định chế tài chính nào không tuân thủ yêu cầu nói trên, thì một số khoản thanh toán có nguồn gốc từ Mỹ đến các định chế đó có thể sẽ bị khấu trừ 30% trước khi được chi trả.             
 
Tại Việt Nam, tác động mà FATCA gây ra với từng tổ chức tín dụng là khác nhau, tùy số lượng tài khoản khách hàng Mỹ mà tổ chức đó đang có và sẽ có. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không có nhiều tài khoản của các khách hàng này, tổ chức tín dụng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bởi nếu không ký thỏa thuận, tổ chức tín dụng đó sẽ bị liệt vào dạng “chống đối”. Theo đó, tất cả các khoản thanh toán thuộc diện chịu thuế theo quy định của FATCA cho định chế đó sẽ chịu thuế 30% của Mỹ. Ngoài ra, những khoản thanh toán chịu thuế có nguồn gốc Mỹ hoặc có nguồn gốc không rõ ràng đến các khách hàng có tài khoản ở định chế đó cũng có thể bị khấu trừ thuế Mỹ, bất kể khách hàng đó có quốc tịch Mỹ hay không.
 
Chưa kể, rất có thể, một khi FATCA được áp dụng rộng rãi, tổ chức tín dụng nào không tuân thủ FATCA có thể sẽ bị các định chế tài chính lớn của thế giới chấm dứt quan hệ, giao dịch. Điều này không chỉ gây khó cho các khách hàng và tổ chức tín dụng đó, mà còn gây trở ngại cho cả nền kinh tế, bởi Hoa Kỳ đang là đối tác đầu tư, thương mại lớn của Việt Nam.
 
Trước những rủi ro trên, các tổ chức tín dụng Việt Nam không nên chủ quan, mà cần nghiên cứu kỹ để tuân thủ FATCA nếu không muốn bị thiệt hại. Trước mắt, các tổ chức tín dụng cần phải thực hiện ngay 4 công việc cấp bách.
 
Thứ nhất, thu thập thông tin khách hàng mới để xác định chủ tài khoản Hoa Kỳ là công dân Hoa Kỳ, hoặc có dấu hiệu Hoa Kỳ (U.S indicia).
 
Thứ hai, rà soát thông tin khách hàng hiện tại.
 
Thứ ba, trong năm 2014, tổ chức tín dụng phải thu thập các thông tin về khách hàng để chuẩn bị cho việc gửi báo cáo cho Sở Thuế vụ Hoa Kỳ vào năm 2015 (tên chủ tài khoản, cổ đông chính, mã số thuế tại Hoa Kỳ, địa chỉ chủ tài khoản, số tài khoản…).
 
Thứ tư, bắt đầu khấu trừ 30% đối với các khoản thu nhập cố định thường niên và định kỳ có thể xác định được có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đối với các chủ tài khoản chống đối và các định chế tài chính nước ngoài không tuân thủ FATCA.
 
Dĩ nhiên, việc áp dụng FATCA đòi hỏi các tổ chức tín dụng tốn kém nhiều thời gian, cũng như chi phí, song đây là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước khác trên thế giới.    
 
Trên thế giới, một số nước cũng đang nghiên cứu áp dụng một số đạo luật tương tự để ngăn chặn hành vi trốn thuế của công dân nước mình. Và như vậy, trong tương lai, ngoài FATCA, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải làm quen với việc tuân thủ các đạo luật tương tự, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi trong nền kinh tế toàn cầu.
 
Hơn nữa, với sự tuân thủ nghiêm túc FATCA, Việt Nam cũng sẽ tăng niềm tin về một quốc gia kiên quyết chống rửa tiền, trốn thuế và tăng thu hút các nhà đầu tư “sạch”.
Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo