Quốc tế

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, lính thủy đánh bộ Mỹ có súng bắn tỉa mới

Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ có dự định đưa vào sử dụng súng trường bắn tỉa Mk 13 Mod 7 mới cho các binh lính có nhiệm vụ trinh sát, qua đó thay thế khẩu M40 mà lực lượng này đã dùng kể từ thời Chiến tranh Việt Nam.

Theo trang tin Business Insider, kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố vào năm 2001, tầm bắn 900m của súng M40 đã bắt đầu cho thấy những giới hạn của mình khi binh lính Mỹ đối đầu với các phần tử khủng bố lẩn trốn trên các vùng đồi núi và sa mạc ở Iraq.

Tuy nhiên tạp chí Marine Corp Times của Mỹ khẳng định rằng, khẩu Mk 13 sẽ có tầm bắn vượt trên 900m.

Tầm bắn này vẫn chưa thể sánh được với súng bắn tỉa M2010 có tầm xa gần 1.200m và khẩu Precision Sniper Rifle có tầm bắn 1.450m. Tuy nhiên khẩu súng mới sẽ là sự cải tiến đáng kể về tầm bắn và sức công phá so với M40.

Súng trường bắn tỉa M40 đã được lính thủy đánh bộ Mỹ sử dụng kể từ Chiến tranh Việt Nam tới nay.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng Thủy quân Lục chiến đang tiến hành các bước đáng kể để nâng cao khả năng tấn công tầm xa của các binh lính bắn tỉa. Vào tháng 1, lực lượng này đã thử nghiệm khẩu M38, một phiên bản của khẩu súng trường M27 để xem xét trang bị khẩu súng này cho các binh lính bắn tỉa.

Trước đó, trong báo cáo chi tiêu năm 2019 của Lực lượng Thủy quân Lục chiến, họ đã dành khoảng 1 triệu USD để mua về 116 khẩu súng trường bắn tỉa bán tự động M110A1 nhằm “nâng cao khả năng đối đầu với nhiều mục tiêu di dộng của lính bắn tỉa”. Dù vậy, khẩu súng này không được coi la phương án thay thế cho M40 do tầm bắn của nó thấp hơn đáng kể với 800m.

Như vậy, khẩu Mk 13 có thể coi là lựa chọn cuối cùng của lực lượng để thay thế M40. Mặc dù trong kế hoạch ngân sách của họ không đề cập đến việc mua thêm Mk 13, song lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã yêu cầu thêm 4,3 triệu USD trong năm 2018 đến mua thêm các thiết bị mới, một khoản tiền mà tạp chí Marine Corp Times tin rằng là phù hợp để cung cấp khẩu súng mới cho các binh lính bắn tỉa.

Nên đọc
Theo Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo