Pháp luật

Lần thứ hai, Việt Nam thắng kiện quốc tế

Việt Nam vừa thắng kiện với một nhà đầu tư Pháp trong dự án Bệnh viện Quốc tế thận và lọc thận ở TPHCM.

Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

 

Sau thắng lợi trong vụ kiện quốc tế với một nhà thầu Mỹ cách đây một năm, Việt Nam vừa thắng kiện với một nhà đầu tư Pháp trong dự án Bệnh viện Quốc tế thận và lọc thận ở TPHCM.

 

 

Đây là thông tin do người phát ngôn, Chánh Văn phòng của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cung cấp cho báo chí trong cuộc họp báo cáo công tác tư pháp quý 4 tại Bộ Tư pháp sáng 31-12.

 

Theo ông Trần Tiến Dũng Dũng, đây là vụ nhà đầu tư Pháp DialAsie kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện Quốc tế thận và lọc thận tại Tòa án Hà Lan từ năm 2011. Bộ Tư pháp là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xử lý vụ kiện.

 

Về diễn tiến của vụ kiện, đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế cho biết vụ việc DialAsie khởi phát từ tháng 3-2001.

 

Cụ thể, Bệnh viện DialAsie ký hợp đồng thuê tòa nhà tại đường Điện Biên Phủ, Quận 3, TP.HCM của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) với giá 23.000 USD/tháng.

 

Sau đó, do không thể chi trả được tiền thuê toà nhà, DialAsie bị Saigon Co.op kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

 

Trong vụ kiện này, DialAsie đã bị xử thua và phải thanh toán số tiền hơn 571.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng).

 

Tiếp sau đó, theo công văn của Bộ Y tế, bệnh viện này cũng phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân, chuyển các bệnh nhân đang điều trị tại đây tới trung tâm y tế khác.

 

Tuy nhiên, Bệnh viện DialAsie sau đó không trả được tiền nên Sài Gòn Co.op đưa đơn khởi kiện Bệnh viện DialAsie ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

 

Cho rằng mình bị đối xử không công bằng, DialAsie đã kiện Chính phủ Việt Nam tới Toà trọng tài quốc tế vào năm 2011.

 

Sau thời gian xem xét, thụ lý, đến ngày 17-11 vừa qua, Hội đồng trọng tài tại Tòa trọng tài thường trực tại La Haye đã ban hành phán quyết với nội dung chính: Không có bất cứ một cơ quan Nhà nước nào của Chính phủ Việt Nam vi phạm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt - Pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện bất cứ một hành vi sai trái nào; mọi hành động của Saigon Co.op hoàn toàn tuân theo pháp luật Việt Nam và không thể quy các hoạt động của Saigon Co.op là hành động của Chính phủ Việt Nam.

 

Theo đó, Hội đồng trọng tài quốc tế La Haye đã bác bỏ toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn đối với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn bất cứ một chi phí nào theo yêu cầu khởi kiện.

 

“Đây là thắng lợi thứ 2 của Chính phủ Việt Nam sau thắng lợi của vụ South Fork, đã ra phán quyết vào tháng 12-2013”, ông Trần Tiến Dũng thông báo.

 

Vẫn theo ông Dũng, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang đe dọa Chính phủ Việt Nam thì thắng lợi trong vụ kiện này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.

 

Trong giai đoạn 2010-2011, một nhà đầu tư của Mỹ là South Fork khởi kiện tỉnh Bình Thuận đòi bồi thường số tiền lên tới 3,75 tỉ USD.

 

Đến tháng 12-2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã chính thức đưa ra phán quyết, bác đơn khởi kiện và buộc South Fork phải hoàn lại toàn bộ chi phí theo kiện, kể cả phí luật sư và phí trọng tài.

Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo