Xã hội

Làng nghề biến “rác” thành “vàng”

Làng nghề sừng mỹ nghệ Thụy Ứng (Sơn Tây, Hà Nội) có lịch sử lâu đời, chuyên sản xuất các sản phẩm từ sừng. Nguyên liệu chính là sừng, móng trâu - những thứ tưởng như đã bỏ đi - nhưng dưới bàn tay tài hoa của người thợ, các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo đã ra đời, mang lại giá trị kinh tế cao.

làng nghề, mỹ nghệ, biến rác thành vàng, nghệ nhân, giá trị kinh tế

Độc đáo nghề xuất khẩu lược

Trước đây, các hộ chỉ sản xuất lược bí (lược vuông) bằng gỗ bưởi vì đây là loại gỗ thông dụng, có nhiều ở vùng quê. Theo thời gian, nguyên liệu sản xuất được thay đổi bằng vật liệu sừng, móng trâu, bò. Ban đầu chỉ là tận thu các vật liệu sừng và móng trâu, bò trong nước, nhưng khi được thị trường quốc tế biết đến cùng với những đơn hàng lớn, các cơ sở sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước Châu Phi, Ấn Độ, Lào…
 
Quy trình sản xuất ra một sản phẩm sừng mỹ nghệ cũng lắm công phu. Trước hết, sừng được nấu trong dầu sôi cho mềm, rồi dùng máy cán mỏng, độ dày mỏng tùy thuộc vào yêu cầu đơn hàng. Sau đó, sừng phải qua vài công đoạn như cắt gọt, tạo dáng, đánh bóng, dán và phân loại kỹ càng… Mỗi gia đình có bí quyết nghề nghiệp riêng, nên dù cùng làm một sản phẩm, nhưng mỗi hộ cho ra một kết quả khác, và “bí kíp” này chỉ được truyền lại cho người cùng dòng họ. Các sản phẩm chủ yếu là trang sức như vòng tay, vòng cổ, hoa tai… hay đồ nội thất, nhà bếp như chân nến, cốc, gạt tàn, thìa, dĩa…
 
Hiện nay, sản phẩm sừng mỹ nghệ Thụy Ứng đang rất được ưa chuộng ở các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ như Đan Mạch, Đức, Anh, Mỹ… và một số thị trường Châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…
 
Cơ hội lớn để phát triển
 
Chiến lược quảng bá sản phẩm sừng mỹ nghệ chủ yếu qua các kênh xúc tiến thương mại quốc gia, như: Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, trưng bày tại các nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch… Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ, với vai trò là trung gian giúp kết nối người tiêu dùng với các cơ sở sản xuất đã góp phần quảng bá rộng rãi và làm tăng giá trị thương mại của sản phẩm sừng mỹ nghệ.
 
 Sản phẩm sừng mỹ nghệ Thuỵ Ứng được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi đường nét mềm mại, độc đáo. Ảnh: Bích Thảo
 
Theo ông Nguyễn Hồng Thái - GĐ Cty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt (Vietcrafts): “Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sừng mỹ nghệ đều hướng ra xuất khẩu, bởi các thị trường lớn như Châu Âu, Châu Mỹ rất ưa chuộng các sản phẩm được làm thủ công từ phương Đông. Đặc biệt, nét tinh xảo và đặc trưng văn hóa được thể hiện trên từng sản phẩm, dưới bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công”.
 
Việc xuất khẩu ngành hàng này mang lại những giá trị rất lớn về cả kinh tế, văn hóa. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói chung đạt 1,5 tỉ USD, nằm trong tốp các ngành hàng đạt 1 tỉ USD/năm. Hiện nay, nhiều dự án của Chính phủ đã được thực hiện, như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương, hay các dự án của một số tổ chức phi chính phủ như GIZ (Đức), VCCI, Hiệp hội Làng nghề… Đây là cơ hội tốt để sản phẩm của làng nghề được quảng bá đến nhiều thị trường trên thế giới, mang lại thu nhập và giới thiệu văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo