Làng nghề cơ kim khí và chuyện thương hiệu
Nghe tiếng máy, dựng sản phẩm
“ Có nhiều nhà giấu nghề, lúc máy chạy phải đóng cửa. sau đó bật đài thật to để bên ngoài không nghe được tiếng. Vì dân ở đây chỉ cần nghe xem máy đập bao nhiêu nhát ra sản phẩm là biết ngay. Làng này ăn cắp giỏi lắm!” . Đó là lời bộc bạch của chị Thoa, chủ xưởng cơ khí chế tạo Thoa Thịnh – điểm công nghiệp Phùng Xá.
Hơn 10 năm trở về trước khi chưa có điểm công nghiệp cơ kim khí, người dân làng Vĩnh Lộc vẫn làm đồ rèn sắt thép trong làng. Các sản phẩm là những mặt hàng dân dụng như dao, liềm, cuốc, xẻng, cày bừa… Quê hương sẵn nghề truyền thống, anh Thịnh – chồng chị Thoa, học xong phổ thông đi làm thuê, học nghề rèn. Có lần, anh Thịnh cùng một người bạn sang bên Đa Hội (Bắc Ninh) mua máy rút sắt. Đến cửa hàng, anh chỉ nhìn mẫu sản phẩm rồi về dựng được chiếc máy đó luôn.
Anh Thịnh loay hoay mua máy móc về tự làm ở nhà. Khi điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá đi vào hoạt động, anh thuê ô đất 120m2 với số tiền 36 triệu sử dụng trong 30 năm. Khu đất ấy vừa là nơi sản xuất vừa là chỗ ở của gia đình anh. Xưởng cơ khí chế tạo của anh Thịnh đến nay có 5 thợ, chuyên chế tạo các loại máy như máy lốc u, máy cắt tôn, máy rút sắt, máy đột dập…cho các hộ sản xuất các mặt hàng từ thép tại điểm công nghiệp này. Khi khách đặt dựng máy, anh Thịnh tự vẽ tay bản mẫu để đưa cho thợ làm.
Chị Thoa thật thà tâm sự: “Lao động ở đây toàn phổ thông hết. Dân tự ăn cắp rồi về mở xưởng. Ra ngoài thấy mặt hàng gì mới thì chụp hình rồi về nhìn sản phẩm dựng máy làm. Nhà khác giấu nghề nhưng nhà mình thì không phải giấu vì phải những người có tay nghề mới làm được”.
Trong số gần 400 hộ sản xuất tại điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá, doanh nghiệp Đức Cường nổi lên như một trong điểm sáng của câu chuyện thương hiệu sản phẩm.
Năm 1985, sau khi xuất ngũ, ông Trần Văn Định tìm tòi hàng hóa kinh doanh, sản xuất. Sẵn nghề truyền thống của làng, ông bắt tay làm bản lề, khi đó vào năm 1995. Là một doanh nhân cựu chiến binh, ông Thịnh luôn tâm niệm làm gì cũng phải giữ uy tín, chất lượng. Vì vậy, khi cơ sở sản xuất của gia đình ông bắt đầu chuyển ra điểm công nghiệp Phùng Xá cũng là thời điểm thương hiệu bản lề Đức Cường ra mắt thị trường.
Ngoài mặt hàng làm từ sắt, doanh nghiệp Đức Cường còn cho ra loại bản lề inox. Ông Định chia sẻ: " Chính sản phẩm của Đức Cường có thương hiệu nên nó mới trụ được trong thời điểm kinh tế khó khăn". Hơn 40 nhân công làm việc tại doanh nghiệp chỉ tập trung vào một việc duy nhất là cho ra đời những chiếc bản lề chất lượng nhất.
Theo lời của một nhân viên trong Ban quản lý điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá, có khá nhiều cơ sở khác tại đây cũng làm hàng bản lề nhái theo mẫu mã của doanh nghiệp Đức Cường. Nhưng sản phẩm của họ không tiêu thụ được rộng rãi. Về vấn đề này, ông Định cho biết thêm : "Tôi cũng đã động viên bà con ở đây rằng, cạnh tranh phải cạnh tranh lành mạnh. Không phải cứ thấy người ta sản xuất ra là nhại lại việc người ta làm ".
Sản xuất thô nhưng đầu ra mênh mông
Năm 2002, UBND xã Phùng Xá đề xuất lên UBND huyện Thạch Thất về dự án thành lập điểm công nghiệp cơ kim khí. Sau khi làm đầy đủ thủ tục thì xã làm chủ đầu tư và tiến hành đấu thầu. Theo lời kể của ông Chu Văn Bảy – Chủ tịch xã Phùng Xá, quãng thời gian từ 2002 – 2004 khâu giải phóng mặt bằng lâm vào tình trạng bế tắc. Khi đó, chính quyền xã phải họp bàn trong chi bộ Đảng cùng với nhân dân mới tháo gỡ được vấn đề. “ Chúng tôi thống nhất là cho bà con hưởng 1/3 diện tích ở điểm công nghiệp nếu ai có ruộng giao lại cho tập thể. Nhưng phần diện tích đó bà con phải sử dụng đúng mục đích là làm công nghiệp. Như vậy, trước sau vẫn là của dân mình giao cho dân mình.”
Nguồn vốn giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng tại điểm công nghiệp này do người dân tự đóng góp. Năm 2006, chính quyền xã bàn giao lại các ô đất cho người dân. Gần 400 hộ trong làng nghề Vĩnh Lộc chuyển ra điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá rộng hơn 11 ha.
Theo đánh giá của ông Chu Văn Bảy, sau 8 năm điểm công nghiệp cơ kim khí này đi vào hoạt động thì “Mọi vấn đề đều thuận lợi. Người dân phát triển mở rộng sản xuất và làm ăn hiệu quả hơn.”
Ông Trần Văn Định, doanh nghiệp tư nhân Đức Cường cho biết : « Ngày xưa mô hình sản xuất chỉ từ 3 – 10 người sau đó tăng dần. Từ khi ra điểm công nghiệp này nhờ có mặt bằng rộng mà tạo được công ăn việc làm cho bà con. Mình cũng phát triển được sản xuất. Bây giờ không có mặt bằng thì cũng không làm được gì.”
Điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá nằm ngay bên đường 80. Hai năm trước, con đường đất này được nâng cấp lên thàng đường bê tông. Nhờ vậy mà giao thông thuận tiện. Trước kia, xe ô tô không vào được trong làng. Cứ đến đầu làng, xe dừng lại và người ta phải thuê xe cải tiến để chở về từng nhà. Khi chuyển ra điểm công nghiệp thì ô tô tải vào đến tận cửa.
Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá chỉ yên ắng trong hai trường hợp. Một là khi đêm xuống. Hai là mất điện. Ban ngày, cả một vùng quê náo động bởi tiếng dập sắt, tôn, inox còn ngoài đường thì nhộn nhịp xe tải vào ra.
Nếu như trước kia ở đây người ta làm ăn nhỏ lẻ, manh mún chỉ với một vài mặt hàng như dao, liềm, quốc, xẻng, cày bừa thì hiện nay các mặt hàng phong phú hơn, mẫu mã đẹp hơn nhưng vẫn ở dạng thô, đơn giản như cửa xếp, tấm lợp, lưới thép… Hộ nhận sản xuất máy đột dập, máy cán nóng, cán ren…Có hộ lại nhận gia công các mặt hàng cơ kim khí (cắt, chặt, đột dập, bản mã) ; làm chi tiết kết cấu (khung nhà thép, mái lán, nhà xưởng…) hoặc có cơ sở lại kinh doanh tôn kim khí.
Đại diện Ban quản lý điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá cho biết, tuy sản xuất hàng cơ khí dân dụng thô nhưng đầu ra mênh mông vì phù hợp với nhu cầu của người dân cả nước. Mỗi hộ tự sản xuất và tự tìm hướng tiêu thụ. "Họ đi khắp nơi trên miền Bắc này. Có khi vào cả miền Nam bán".
Trao đổi về hướng phát triển của cơ kim khí Phùng Xá trong thời gian tới, chủ tịch UBND xã Phùng Xá khẳng định : " Làng nghề chính là cái nôi để trưởng thành những doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp nhỏ sẽ có những doanh nghiệp vừa, thậm chí có những doanh nghiệp lớn. Định hướng trong thời gian tới của cơ kim khí Phùng Xá là kinh doanh sắt thép tôn các loại và ra những sản phẩm từ tôn thép. Dự tính sau 4 -5 năm phát triển gấp 3 – 4 lần bây giờ".
Những ngày tháng 9 âm lịch này, người dân Vĩnh Lộc (Phùng Xá – Thạch Thất) tất bật chuẩn bị cho ngày giỗ cụ Trạng – Phùng Khắc Khoan (24/9 âm lịch). Phùng Khắc Khoan đã cải tiến nghề truyền thống của ông cha, dạy dân làng Vĩnh Lộc biết làm cuốc, xẻng, cày bừa...Hơn 400 năm nay, người dân làng Vĩnh từ thế hệ này sang thế hệ khác chuyên tâm vào cơ nghiệp ông cha. Dân làng đùa vui rằng, cái nghề đúc rèn sắt thép ăn vào máu nên chỉ biết mỗi nghề cơ khí chứ không biết tằm tang cấy cày như những vùng quê khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh