Môi trường

Làng nghề đầu độc người dân

Với mức ô nhiễm vượt quá hàng chục lần so với quy định, chất thải độc hại của hàng chục làng nghề ở Nam Định đang đầu độc người dân và biến những cánh đồng màu mỡ thành những vùng đất bỏ hoang.

Nông dân mất ruộng vì làng nghề

Chúng tôi đến xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định) vào một ngày đông giá rét của tháng 1.2014, nơi đây mặc dù là thôn làng nhưng cuộc sống người dân rất sôi động, nhộn nhịp. Xã Nam Thanh có một số làng nghề như dệt, đồ gỗ và nhiều cơ sở tái chế, cô đúc nhôm từ phế thải để sản xuất xoong, chậu, nồi, thủy tinh… Chính từ khi làng nghề phát triển, các cơ sở sản xuất không ngừng sinh sôi, cuộc sống người dân đã khấm khá hơn. 

 Nghiên cứu xử lý thí điểm khí thải làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, Huyện Nam Trực. Ảnh: tnmtnamdinh

Làng nghề phát triển, kinh tế xã đi lên đó là điều đáng mừng, tuy nhiên vị Chủ tịch UBND xã Nam Thanh- ông Nguyễn Văn Ngoãn cũng phải thừa nhận: Cái giá phải trả cho sự phát triển này là quá đắt. Lúc này đây, môi trường Nam Thanh nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm, ô nhiễm ở mọi ngóc ngách của thôn xã, ô nhiễm từ các con sông, nhánh sông, các kênh mương dẫn nước, nhiều cánh đồng cũng bị ô nhiễm nặng và phải bỏ hoang suốt mấy năm qua. 

Ông Ngoãn cho biết: “Mấy năm gần đây, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, nước thải của các cơ sở sản xuất xả thẳng ra đồng ruộng khiến cho nhiều cánh đồng trong mấy năm qua không thể cày cấy được. Riêng ở thôn Bình Yên đã có tới 7ha bỏ hoang, đó là chưa tính diện tích ruộng gần vùng ô nhiễm cũng bị bà con bỏ không vì sợ tiếp xúc với chất độc hại. Ở xóm 1 và xóm 2, diện tích ruộng lúa bị bỏ hoang vì ô nhiễm rất nhiều”.

Theo báo cáo của Sở TNMT Nam Định, lượng chất thải của 90 làng nghề trong tỉnh ẩn chứa nhiều chất độc hại, có gần 50% số làng nghề thải ra môi trường các chất thải dạng ô nhiễm điển hình, trong đó có nước thải chưa qua xử lý. Theo ước tính mỗi ngày có khoảng 40 tấn chất thải rắn nguy hại thải ra môi trường, trong khi nước thải từ khâu tẩy rửa sản phẩm lên tới 500m3/ngày.

Chúng tôi có mặt ở xóm 2, thôn Bình Yên, nơi đây 2 bên đường chính của xóm chất đống ngồn ngộn các loại xỉ vữa vứt đi sau khi dùng để đốt lò nấu nhôm. Hệ thống kênh dẫn nước có chỗ xanh lè, có chỗ đen đặc với những thứ mùi hôi tanh nồng nặc, bên cạnh đó là bãi đất hoang rộng mênh mông nằm đan xen với các ruộng lúa khác. 

Chị Nguyễn Thị Hoàng, nông dân xóm 2 bức xúc: “Nhiều năm trước bãi đất hoang này là ruộng lúa. Vài năm nay, khi cơ sở tái chế nhôm mọc lên nhiều, chất độc hại thải ra mỗi ngày lên tới 500m3, ô nhiễm nghiêm trọng khiến bà con nông dân lội xuống ruộng là chân tay mẩn đỏ ngứa ngáy khó chịu. Ruộng ô nhiễm bỏ hoang, thậm chí những thửa ruộng khác dù không ảnh hưởng mấy nhưng nông dân cũng sợ nên không dám cày cấy nữa”.

Đề cập đến những “bờ xôi ruộng mật” bị biến thành đất bỏ hoang, ông Trần Văn Túc - Trưởng xóm 2 thôn Bình Yên cũng cảm thấy bất lực: “Tình trạng này đã diễn ra mấy năm rồi, trong xóm 2 có khoảng 120 hộ dân có ruộng bị biến thành đất hoang như thế. Gia đình tôi cũng nằm trong số đó. Người dân đã phản ánh vấn đề này lên xã nhưng đến nay tình hình vẫn không có gì thay đổi”.

Phương án xử lý bất khả thi

Chúng tôi liên hệ với Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực Nguyễn Thanh Hà, tuy nhiên vị phó chủ tịch này cáo bận và giới thiệu chúng tôi làm việc với Phòng Nông nghiệp huyện. Tiếp chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Hưởng cho hay: 

“Về việc xử lý ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới đất canh tác của nông dân, huyện Nam Trực đã chỉ đạo mạnh. Huyện đã có quy hoạch đưa các làng nghề ra các khu công nghiệp tập trung, có hệ thống xử lý chất thải tập trung; từng bước hiện đại hóa hệ thống kênh mương phục vụ đa mục tiêu, phục vụ cả tưới tiêu, dân sinh và cả xả thải. Đối với diện tích đất lúa bị nhiễm chất độc hại sẽ có giải pháp thau rửa đất để trả lại nguyên trạng đất cho bà con, nếu giải pháp này không làm được thì sẽ chuyển mục đích sử dụng của diện tích đất lúa đó”.

Tuy nhiên, một vị lãnh đạo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nam Định cho rằng:

“Trên thực tế để giải quyết vấn đề ô nhiễm do làng nghề gây ra đối với môi trường sống, đối với đất canh tác nông nghiệp không hề đơn giản. Việc chuyển các cơ sở sản xuất ra một khu tập trung có hệ thống xử lý chất thải tập trung là vấn đề khó bởi thứ nhất các hộ sản xuất làm nhỏ lẻ thì được chứ nếu làm lớn thì không đủ sức cạnh tranh, thứ 2 đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung tốn kém nhiều tỷ đồng, và rồi ai sẽ vận hành hệ thống đó? 

Tỉnh Nam Định có trên 90 làng nghề, và mỗi làng nghề lại một khu xử lý chất thải tập trung thì phải mất hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hơn. Bởi vậy những giải pháp trên trong bối cảnh hiện tại là không phù hợp”.

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo