Làng nghề liêu xiêu vì tin bún bẩn
Thông tin về bún có tẩm hoá chất độc hại, đang làm cho nhiều làng nghề làm ăn chân chính rơi vào cảnh “sống dở chết dở .
(VTV) Hiện nay, đang có rất nhiều thông tin về bún tẩm hóa chất gây độc hại cho sức khỏe của con người từ một số cơ sở sản xuất phía Nam. Những thông tin này đã khiến người tiêu dùng trên cả nước lo ngại và dè dặt với việc sử dụng bún, kéo theo đó là các cơ sở sản xuất bún chân chính theo cách truyền thống ở một số địa phương phía Bắc cũng chịu thiệt hại nặng nề do lượng bún bán ra thấp, các nhà hàng bán ế nên trả lại.
Tại xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh - nơi cung cấp một lượng lớn bún cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, theo quan sát của nhóm phóng viên VTV, ngay đầu xã đã thấy sự hoạt động sản xuất kém nhộn nhịp so với trước đây, thậm chí im ắng.
Nhà chị Nguyễn Thị Hoan trước kia mỗi ngày xuất đi khoảng 1,5 tấn bún ra thị trường, nhưng từ khi có tin một số cơ sở sản xuất bún tại TP.HCM có sử dụng hóa chất độc hại thì lượng bán ra giảm hẳn, chỉ còn trên dưới 1 tấn.
“Cả gia đình nhà tôi và công nhân sống nhờ nghề làm bún, bây giờ có thông tin bún bẩn đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi người vì nếu gia đình tôi làm ít công nhân cũng bị ảnh hưởng đến tiền lương. Hiện tại, mỗi ngày nhà tôi bị thiệt hại về doanh thu khoảng 3 triệu đồng”, chị Hoan bộc bạch.
So với nhà chị Hoan, gia đình chị Vũ Thị Lan còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều khi bún bán đi không được và thường xuyên bị các nhà hàng trả lại. Nguyên nhân cũng là do tin trong bún có chất độc hại, nên người dân e ngại ăn loại thực phẩm này.
“Lượng tiêu thụ bún nhà tôi sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn hơn 3 tạ mỗi ngày. Còn những chiếc xe chở bún giờ nằm không, thỉnh thoảng mới xuất được một xe”, chị Lan cho biết.
Những làng nghề truyền thống như xã Khắc Niệm đã có nghề làm bún từ hàng trăm năm nay. Người dân trong làng cho biết, tất cả mọi quy trình, cách thức đều tự nhiên và không có bất cứ chất gì ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Bản thân chúng tôi là những người sản xuất bún nhiều năm, chúng tôi không hề sử dụng hóa chất. Người dân trong làng cũng muốn có cơ hội và có ai đó để nói lên suy nghĩ của mình rằng: Bún của chúng tôi sản xuất là hoàn toàn sạch sẽ, không có vấn đề gì cả”, ông Dương Minh Dự, Trưởng thôn Tiền Ngoài, xã Khắc Niệm bày tỏ.
Theo lãnh đạo xã Khắc Niệm, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thông tin bún bẩn đã khiến lượng bún tiêu thụ của địa phương giảm gần 30% và gây thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi ngày cho người dân.
Trước tình hình trên, lãnh đạo địa phương đã phải nỗ lực để tuyên truyền, trấn an cho các hộ sản xuất bún. “Sau khi có thông tin thất thiệt đối với nghề làm bún, Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng các ban ngành đã tuyên truyền cho bà con yên tâm trong việc làm bún và vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp tốt cho các địa bàn tỉnh và lân cận”, ông Nguyễn Thanh Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Khắc Niệm cho hay.
Lúc này, có thể nói mong muốn lớn nhất của những người làm nghề chân chính là những người làm bún bẩn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng phải bị xử lý nghiêm khắc để làm gương.
Hữu Bằng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu
Rạng Đông Holding RDP bị nhắc nhở chậm công bố thông tin
Giá heo hơi ngày 2/11/2024: Tăng, giảm trái chiều tại miền Bắc và miền Nam
CEO Adsota gợi ý 'chìa khóa' giúp các chiến dịch marketing du lịch thành công
Giá ngoại tệ ngày 2/11/2024: USD tăng lên mốc 104,32 điểm
Giá nông sản ngày 2/11/2024: Vì sao cà phê và hồ tiêu đồng loạt giảm giá?
Cột tin quảng cáo