Làng nghề Thái Bình phát triển ổn định
Sáu tháng đầu năm 2013, số lao động trong khu vực nghề, làng nghề toàn tỉnh là 149.520 người, tăng khoảng 700 lao động so với cùng kỳ năm 2012.
Nhìn chung 6 tháng đầu năm 2013 nghề, làng nghề trên địa bàn Thái Bình vẫn được duy trì, phát triển. Một số nghề như: dệt chiếu, dệt khăn, may mặc có thị trường tiêu thụ khá, trong đó đáng chú ý là mặt hàng chiếu nilon tiêu thụ mạnh, nên các cơ sở vẫn đang đẩy mạnh mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, một số mặt hàng thị trường tiêu thụ có chững lại như: móc sợi, mây tre đan, thêu, đồ gỗ mỹ nghệ, v.v...
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong làng nghề đã ký được các đơn hàng lớn với khách hàng Nhật Bản, từ đó, dần khôi phục sản xuất, xuất được nhiều hàng tồn kho của năm 2012. Một số nghề mới du nhập phát triển mạnh và dần đi vào ổn định: nghề dệt chiếu nilon, nghề dệt lưới nilon, v.v…
Thái Bình có đến 90% lao động là làm nông nghiệp, việc phát triển nghề và làng nghề có vai trò hết sức quan trọng, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Với ý nghĩa đó, những năm qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 241 làng nghề đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, tăng 8 làng nghề so với cùng kỳ năm 2012 (ngày 18/12/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2970/QĐ-UBND về việc công nhận 8 làng nghề mới đủ tiêu chuẩn).
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề. Cơ sở vật chất cho làng nghề từng bước được tăng cường, đặc biệt hệ thống điện (23 xã đã bàn giao cho ngành điện quản lý, 12 xã đã và đang tham gia REII đang dần được đầu tư và cải tạo). Thái Bình có nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống lâu đời, sản phẩm sản xuất ngày một đa dạng, phong phú và được khẳng định trên thị trường. Các doanh nghiệp trong làng nghề đã ký được nhiều đơn hàng với khách hàng Nhật Bản nên có thể ổn định sản xuất
Với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong giai đoạn những tháng tiếp theo của năm 2013 các làng nghề cần tiếp tục được phát triển theo định hướng bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện bảo vệ môi trường nông thôn.
Theo Sở Công thương thái Bình
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo