Làng ung thư chết chìm trong khói bụi
Lang thang dọc làng Tử Lạc, điều tôi nhận thấy rõ nhất, là sự giàu có, khang trang của ngôi làng này. Tuy nhiên, ngoài đường trong ngõ vắng bóng người đi về. Nhà cửa đóng kín mít.
Nhà mẫu giáo nằm ngay mặt đường, sân chơi rộng rãi, nhưng vắng tiếng nô đùa của trẻ con. Giáo viên bắt bọn trẻ vào hết trong nhà rồi đóng chặt cửa.
Nhà mẫu giáo thôn Tử Lạc thường xuyên đóng cửa kín mít, nhốt học sinh ở bên trong. |
Một giáo viên kể: “Khổ lắm anh ạ. Mang tiếng lớp học ở quê, nhưng cứ phải đóng cửa kín mít, nhốt các cháu trong nhà, không dám cho ra ngoài sân chơi. Vậy mà vẫn chẳng ăn thua gì. Chỉ cần mấy khe cửa không khít, bụi vẫn chui vào trong phòng được”.
Quả như lời cô giáo nói, tôi quẹt tay lên mặt bàn, thấy có một lớp bụi mỏng. Ngày nào các giáo viên cũng lau bàn ghế, nhà cửa, các dụng cụ học sinh, nhưng chỉ hôm sau, đã lại có lớp bụi mỏng bám vào.
Phần lớn trẻ em ở trường mầm non đều mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, ngạt mũi, đau mắt, ho hắng. Nhiều cháu mắt cứ toét nhoèn, nhỏ thuốc mãi không khỏi.
Một nhà máy xi măng ở Kinh Môn nhả khói bụi mù mịt khiến cả vùng dân cư rộng lớn biến mất trong "mây bụi". |
Giữa làng Tử Lạc, có quán chè, nhưng chẳng có khách. Chị chủ quán đội nón lúp xúp, mặt bịt khăn kín mít. Chị chỉ tay về phía Tây, nơi có ống khói nhà máy xi măng, rồi lại chỉ về phía Đông, nơi có những quả núi nham nhở trắng xóa vì khai thác đá. Chị bảo, gió Đông hay gió Tây thì làng Tử Lạc cũng đều chịu cảnh ô nhiễm nặng nề.
Thấy nhà báo về làng nói chuyện, tìm hiểu thực trạng ô nhiễm môi trường, bệnh ung thư hoành hành, hàng chục người dân kéo ra, ai cũng thể hiện sự bức xúc ghê gớm.
Người dân Kinh Môn đang "chết chìm" trong khói và bụi. |
Anh Trần Văn K., công nhân Nhà máy xi măng Hoàng Thạch (anh K. đề nghị được giấu tên, vì anh sợ ảnh hưởng đến công việc) kể: “Không thể chấp nhận được chuyện ô nhiễm do nhà máy gây ra. Bây giờ chỉ thấy khói lơ mơ, nhưng nửa đêm anh ở đây thì sẽ rõ. Cái ống khói kia sẽ xả bụi, nhìn chả khác gì vòi rồng cuồn cuộn, rồi những hạt bụi xi măng, bụi đá rơi xuống như mưa.
Tôi làm ca đêm, làm việc trong nhà máy thì không sao, nhưng trên đường về nhà, gặp lúc nhà máy xả bụi, thì quần áo đen sì, chỉ còn lộ hai mắt trắng dã, không khác gì mấy ông thợ mỏ. Anh bảo xả bụi như thế thì khác gì giết người”.
Đứng từ xa nhìn lại, làng Tử Lạc nhỏ xíu, phủ bụi bàng bạc và chìm nghỉm dưới chân nhà máy xi măng Hoàng Thạch với những cột khói khổng lồ. |
Nói rồi, anh K. dẫn tôi về nhà anh. Nhà anh nằm ngay mặt đường, có tới 2 lần cửa. Cánh cửa bên ngoài phủ một lớp bụi trắng xóa, cửa bên trong ít bụi hơn, nhưng chạm bàn tay vào, thì vẫn rõ dấu các ngón tay.
Anh K. nhấc chiếc chăn ở góc giường, rồi rũ mạnh, tôi thấy bụi trắng bay ra mù mịt. Không thứ gì trong ngôi nhà kín mít này không bị bụi trắng ám vào.
Anh K. già hơn tuổi 40 rất nhiều, khuôn mặt xam xám của người thiếu sức sống. Anh dẫn tôi lên gác hai của căn nhà. Trên gác hai có căn phòng để không, không có cửa rả gì. Anh cầm chiếc chổi, quét trong phòng một lát thì được… nửa thúng bụi trắng. Anh bảo, ngày nào cũng quét, nhưng cứ quét chiều hôm trước, đến sớm hôm sau, bụi lại phủ ngập căn phòng để không này. Mái của ngôi nhà còn khủng khiếp hơn nữa.
Lớp bụi dày đặc trong gác hai bỏ không của nhà anh K. |
Anh K. nói giọng vừa bức xúc, vừa thống thiết: “Nhiều khi chúng tôi nghĩ mình sẽ chết ngay trong chốc lát vì khói bụi xi măng. Khói bụi là kẻ thù gần gũi với chúng tôi. Nó tràn vào từng nhà, từng bữa cơm, từng chén nước, từng giấc ngủ. Cả làng chúng tôi đang chết chìm trong khói bụi.
Công nghiệp hóa không có nghĩa là ngày đêm xả hàng tấn bụi vào làng tôi. Chúng tôi chỉ mơ ước một cuộc sống nghèo khó mà hưởng bầu không khí trong lành. Từ khi có những nhà máy xi măng, trừ những gia đình có con em làm công nhân trong nhà máy, có lương, còn lại đều nghèo đi, đói đi vì hoa màu, cây cối không cho thu hoạch”.
Cảnh tượng bụi bặm thế này thì sống sao nổi? |
Anh K. dẫn tôi ra mảnh vườn lớn phía cuối làng, mà anh bỏ không ít tiền bạc lấp ruộng mà thành. Mảnh vườn ấy trồng toàn vải, nhãn, na. Thế nhưng, trồng cả chục năm nay rồi mà cây nào cây nấy cứ èo uột. Từ khi trồng đến nay, chưa có bất cứ loại cây nào cho thu hoạch, vì bụi xi măng khiến chúng không đậu quả được.
Nhắc đến chuyện bệnh ung thư, anh bảo, tuy vợ chồng, con cái anh vẫn bình an, nhưng tử thần ung thư chắc chắn đang rình rập và chưa biết lúc nào căn bệnh ấy sẽ hiện ra từ cơ thể.
Ngay trong gia đình ruột thịt của anh, sống trong làng này, cũng đã có 3 người mất mạng vì căn bệnh ung thư quái ác. Người đầu tiên là ông bác ruột Trần Văn Giới, bỏ mạng mấy năm trước vì ung thư phổi.
Ông Giới chết đầu năm, thì cuối năm, em ông Giới, và là chú ruột của anh K, là ông Trần Đắc Thiện, chết vì ung thư dạ dày. Từ khi phát hiện bệnh, đến khi về trời, chỉ vỏn vẹn có 2 tháng.
Danh sách chết chóc ở vùng đất này chỉ thấy đau xót một chữ K. |
Người mới chết gần đây nhất, là anh Tô Văn Nghiệp, sinh năm 1968, là con của bà cô, tức chị gái của bố anh về trời vì ung thư vòm họng.
Để chứng minh hiện trạng người dân Tử Lạc chết như ngả rạ vì ung thư, anh lấy chiếc xe máy tồng tộc, dẫn tôi đi khắp làng. Đến ngôi nhà nào, anh cũng chỉ chỏ, rằng nhà này có người chết ung thư, nhà kia có người chết ung thư. Cứ như anh chỉ dẫn, thì cả ngôi làng Tử Lạc, chẳng nhà nào không có người bỏ mạng vì căn bệnh quái ác này.
Anh K. cũng dẫn tôi đến cổng nhà hàng chục bệnh nhân, đang ngắc ngoải với căn bệnh tử thần. Anh bảo, mặc dù biết rõ mười mươi họ mắc bệnh ung thư, nhưng không dám vào trò chuyện với họ.
Một trong số những con đường tung bụi mù trời mỗi khi có xe chạy qua ở Kinh Môn. |
Người dân Tử Lạc có một thói kiêng kỵ rất lạ, đó là cố gắng giấu biệt, hoặc cố tình không thừa nhận mắc căn bệnh này. Họ quan niệm, bị ung thư có nghĩa là chết. Sợ người mắc bệnh buồn phiền, nên người nhà đều giấu giếm. Họ tin rằng người này, người nọ nói gở, nhắc đến cái chết, khiến người mắc bệnh mất niềm tin, chết nhanh hơn.
Hầu hết những ngôi nhà có người mắc ung thư, đều cửa đóng then cài, hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Nhưng nhà bà Bùi Thị Hòa thì chả có cổng rả gì, cửa nhà cũng xộc xệch.
Bà Hòa năm nay tròn 60 tuổi, nhưng mái tóc đã bạc trắng. Mấy năm trước, bà đau ở cổ, rồi cục u nổi lên to tướng.
Bà Hòa và đống giấy tờ, sổ khám bệnh của bệnh viện K Hà Nội. |
Khi đó, trong làng mỗi năm chết mười mấy mạng người vì ung thư, nên bà tin rằng tử thần đã gõ cửa nhà bà. Quả đúng như vậy, sau khi xét nghiệm tế bào, bác sĩ kết luận bà bị ung thư, đã di căn, giỏi lắm sống được 3 tháng nữa.
Thôi thì, nhà có bao nhiêu tiền của dồn hết lại, vay mượn thêm để chạy chữa. Bà được mổ tách khối u, rồi xạ trị suốt 3 tháng trời, tiêm mấy trăm mũi. Tia xạ đốt cháy da cổ, cháy cả dây thần kinh, khiến tay phải của bà bị liệt. Chức năng vận động của tay chân cũng kém, hễ cố vận động mạnh là tê buốt tận óc.
Bản thân bà Hòa cũng không rõ vì sao mắc bệnh hiểm nghèo như thế, mà vẫn sống được mấy năm nay. Những người mắc ung thư trong xóm đến hỏi bí quyết, bà cũng không biết trả lời thế nào. Chắc tại ông giời còn bắt bà mãi khổ. Bà bảo, sống chung với bệnh tật thế này thì chết còn thanh thản hơn.
Bà bảo, gia cảnh bà quá nghèo, ruộng ít, sức yếu không làm việc được, lại không có lương, nên chỉ biết ngóng vào con cái. Con cái bà cũng đều nghèo cả, nên nay được bữa rau, mai bữa cháo.
Ngoài ung thư, thì giờ tim, gan, phổi… bộ phận nào trong cơ thể bà Hòa cũng có bệnh. Sức yếu, bệnh nhiều, nên bà cảm nhận sự ô nhiễm trong không khí rất rõ. Cứ hôm nào gió Tây, thì bà như bị ngộp thở. Bụi từ ống khói nhà máy xi măng quẩn xuống làng, lùa vào tận nhà bà.
Bà Hòa bảo: “Tôi thì sống chẳng được mấy nữa, nhưng tôi lo nhất là đám con cháu. Chúng nó sinh ra, lớn lên, cả đời hít thứ bụi này thì làm sao thành người lành lặn được. Tôi cứ khuyên các con, kiếm được tiền thì chắt chiu, rồi chuyển đi nơi khác mà ở, chẳng cần thiết phải bám riết mảnh đất này nữa”. Bà Hòa cất lời nặng nhọc, mà đôi mắt rơm rớm lệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo