Lãnh đạo cần năng lực điều hành, không phải ngoại ngữ
ĐB Nguyễn Sỹ Cương lo nếu nghị định của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn một số chức danh lãnh đạo "cứ ra như dự thảo" sẽ đẩy công chức vào cuộc đua trang bị bằng cấp chứng chỉ.
Trao đổi với chúng tôi, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên thường trực UB Pháp luật QH, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, nhận định: Dự thảo này lại là một văn bản rơi vào tình trạng "ngồi trên trời làm chính sách".
Ông Cương phân tích: Quan trọng nhất để xây dựng chức danh phải dựa trên hai căn cứ: Một là xác định cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay đang cần gì; Hai là căn cứ vào hiện trạng thực tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay. Những tiêu chuẩn mà dự thảo này đưa ra, trừ tiêu chuẩn ngoại ngữ, đều không có gì mới, có hết trong các quy định trước đây rồi. Giờ lại thêm "mắm thêm muối", vẽ ra cho hay, tưởng là tiến bộ, mới, khắt khe, đột phá nhưng lại không hợp lý, không thể thực hiện được.
Những người này cần nhất là trình độ năng lực chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo quản lý chỉ đạo điều hành, nếu là cơ quan hành chính thì cần được đào tạo cả các kỹ năng hành chính. Khi không xác định được họ đang cần gì thì quy định chỉ là hình thức. Thực tế đội ngũ cán bộ từ thứ trưởng trở xuống của ta hiện này là: 20 năm nữa vẫn chưa hết số lượng mà trước đây ta đã tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt.
Đội ngũ đó hiện nay tương đối nhiều và trình độ ngoại ngữ là rất hạn chế. Nhưng cũng thông cảm vì điều kiện học ngoại ngữ ngày xưa khác xa bây giờ. Chỉ ai đi học nước ngoài về mới có ngoại ngữ chứ học trong nước là mù tịt. Số thấy cần, ham thích mà tự học để có ngoại ngữ là rất ít.
Ngoại ngữ ai chả biết có thì tốt, mà ai chả muốn có, không chỉ để sử dụng hàng ngày mà còn đọc sách báo, tài liệu nghiên cứu, tham khảo. Nhưng đó chưa phải là điều gì cấp thiết đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo quản lý chuyên ngành. Trên thực tế họ cũng có sử dụng nhiều đến ngoại ngữ đâu, chỉ là những ngành ngoại giao, ngoại thương, quan hệ giao tiếp nhiều với nước ngoài thôi. Ngay trong ngành ngoại giao, ngoại thương cũng có phải vị trí nào cũng cần ngoại ngữ đâu.
Vậy nếu có quy định về ngoại ngữ thì là do bản thân mỗi ngành thấy cần chứ không phải do nhà nước quy định chung. Thực tế việc Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cũng cho thấy tự các bộ ngành hiểu rõ nhất yêu cầu nào là cần thiết. Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nói nếu cứng nhắc các tiêu chuẩn ngạch bậc chuyên viên, lý luận chính trị thì sẽ không có cơ hội cho cán bộ trẻ.
Đấy là chưa kể rất nhiều cán bộ được đề bạt làm thứ trưởng, tổng cục trưởng... là điều chuyển từ địa phương về. Ngay trong Bộ Nội vụ, thử hỏi các thứ trưởng có ai sử dụng được tiếng Anh thành thạo không. Muốn khuyến khích cán bộ công chức nâng cao năng lực ngoại ngữ thì phải có lộ trình.
Nhưng quy định về năng lực trình độ của các chức danh lãnh đạo này cũng không dễ, lâu nay ta cứ đánh đồng với bằng cấp. Thực tế trong hàng trăm người tốt nghiệp ra trường có bằng mỗi năm ở một ngành chuyên môn, số người có khả năng chỉ đạo điều hành là rất ít.
Thế nên tôi lo, nếu nghị định cứ như dự thảo thế này mà ban hành, sẽ đẩy công chức tiếp tục lao theo trào lưu đã có từ mấy năm nay là đi học hành để trang bị các loại bằng cấp chứng chỉ. Trong khi đào tạo các bằng cấp chứng chỉ đó ở ta lại đang có quá nhiều vấn đề, người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ không chắc đã hơn người có bằng cử nhân, trung cấp.
Nghịch lý ấy đã thể hiện rất rõ khi ta nói câu chuyện tinh giản biên chế: Không làm được việc, ngồi chơi xơi nước thì xin đi học, đến khi tinh giản thì nhờ bằng cấp cao mà ở lại. Làm gì có ai đi học thạc sĩ, tiến sĩ thi được đầu vào mà không ra được, không có bằng đâu.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo