Lãnh đạo Long An và Huế “lười” tiếp dân
Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2014 ở hai tỉnh Long An và Thừa Thiên Huế. Nhìn chung cả hai địa phương này vẫn còn để xảy ra nhiều sai sót, đặc biệt trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, thể hiện qua việc tiếp dân còn mang tính hình thức.
Long an: Kỷ lục của Sở Y Tế
Tại Long An, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân định kỳ được 13/30 ngày theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên ở cấp huyện và cấp sở, kết quả thanh tra cho thấy chỉ duy nhất Chủ tịch UBND huyện Bến Lức tiếp dân định kỳ đúng theo quy định. Tệ nhất là Sở Y tế không tiếp ngày nào, còn Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ tiếp được hai ngày.
Ngoài ra, năng lực cán bộ yếu kém cũng là một trong số những nguyên nhân được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong báo cáo. Đơn cử, trong công tác thống kê, theo dõi xử lý đơn thư trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, việc phân loại xử lý đơn thư chưa chuẩn xác, nhiều trường hợp nhầm lẫn trong việc xác định đơn thuộc kiến nghị, khiếu nại, tranh chấp, tố cáo hay phản ảnh kiến nghị và nhất là phân loại đơn thuộc thẩm quyền hay không thuộc thẩm quyền.
Theo Thanh tra Chính phủ, chính việc phân loại không đúng đã dẫn đến nhiều vụ việc xử lý sai hoặc hướng dẫn không đúng
Bên cạnh đó, việc thụ lý giải quyết đơn có nhiều sai sót, vi phạm. Không có quyết định thụ lý, không có kế hoạch thực hiện và không có thông báo thụ lý. Theo kết luận Thanh tra, nguyên nhân chủ quan là do nhận thức và năng lực của các cán bộ trực tiếp trong việc thụ lý đơn thư còn hạn chế.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, đối với thanh tra chuyên ngành tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, đa số các trường hợp vi phạm được phát hiện qua thanh tra đều do đối tượng thanh tra thiếu hiểu biết về pháp luật có liên quan.
Một số cuộc thanh tra hành chính không có biên bản công bố quyết định thanh tra, không thông báo kết thúc thanh tra, thời gian báo cáo kết quả thanh tra và kết luận của nhiều cuộc thanh tra còn kéo dài.
Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, không đơn vị nào lập danh sách những người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt trước khi tiến hành kê khai.
Cũng không đơn vị nào làm giấy giao nhận giữa người tiếp nhận bản kê khai với người nộp kê khai. Nhiều trường hợp chậm thực hiện việc kê khai, có trường hợp không kê khai. Thậm chí một số đơn vị thuộc cấp huyện, thành phố không tổ chức kê khai tài sản, thu nhập cho cán bộ trong diện phải kê khai.
Trong khi đó số vụ việc được phát hiện có dấu hiệu tham nhũng chưa nhiều.
Huế: Công văn thay kết luận
Giống như Long An, Thừa Thiên Huế cũng có nhiều hạn chế trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, và phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, về công tác tiếp dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị, địa phương nên một số sở, UBND cấp huyện chưa thực hiện công tác tiếp dân theo đúng quy định.
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, trong giải quyết khiếu nại, Thừa Thiên Huế vẫn còn ban hành công văn, không ra quyết định giải quyết là chưa đúng quy định. Cụ thể có 67/499 vụ việc UBND tỉnh ban hành công văn, thay vì phải ra quyết định giải quyết.
Đối với cấp sở, việc tổ chức tiếp công dân của một số lãnh đạo còn chưa đúng quy định, việc mở sổ tiếp công dân và ghi chép cũng không đầy đủ.
Xuống cấp huyện cũng “mắc bệnh” của cấp tỉnh, nhiều vụ việc khiếu nại khi giải quyết cũng ban hành công văn.
Thanh tra Chính phủ khẳng định là hình thức văn bản này chưa đúng quy định, mặc dù theo báo cáo của UBND cấp huyện là do người khiếu nại đã đồng ý với nội dung giải quyết nên chỉ ban hành công văn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức, thực hiện các cuộc thanh tra theo thẩm quyền ở cấp tỉnh qua kiểm tra thấy có hai cuộc thanh tra liên ngành do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, việc ban hành kết luận còn chậm so với quy định.
Một cuộc thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành Kết luận thanh tra có một số nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau đã được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét nhưng chưa thống nhất, phải tập trung xử lý dứt điểm. Đối với cấp sở, việc lập văn bản trong hoạt động thanh tra chưa đầy đủ, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, có kết luận thanh tra của cấp bộ đối với sở đóng dấu “mật” nên khó khăn trong công khai xử lý sau thanh tra.
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh lãnh đạo cả hai tỉnh Long An và Thừa Thiên Huế cần chấn chỉnh công tác tiếp dân, kiểm điểm nghiêm túc đối với lãnh đạo cấp sở và cấp huyện đã có những hạn chế, khuyết điểm nhất là những trường hợp tiếp dân định kỳ chưa đầy đủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo