Thị trường

Lãnh đạo Petrolimex muốn lãi 500 đồng/lít xăng nhưng....

"Giá xăng dầu trong nước điều hành theo thế giới. Giá thế giới xuống thì mức bán trong nước giảm, kéo theo doanh thu. Nhưng điều này không đồng nghĩa với sản lượng bán của chúng tôi cũng đi xuống".

Đó là một trong những lý do ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra để giải đáp thắc mắc phải chăng do Petrolimex tăng giá xăng nhiều, giảm ít khiến con số doanh thu thấp hơn năm ngoái nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh.

Cũng theo ông Trần Ngọc Năm, năm 2013, giá xăng dầu bắt đầu tiệm cận theo thế giới. Trong cơ cấu giá bán, doanh nghiệp được lợi nhuận định mức từ 100-300 đồng và có thời điểm không có. Khi Chính phủ quy định cơ cấu lợi nhuận định mức thì trách nhiệm doanh nghiệp phải thực hiện đúng. Năm 2012, Petrolimex lỗ do kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố tác động.
 
Petrolimex vẫn thống lĩnh thị trường với khoảng 50% thị phần, lãi gần 100 đồng/lít xăng
 
"Với  vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng, trách nhiệm của chúng tôi là bảo toàn. Theo quy định,  nếu doanh nghiệp lỗ 2 năm liên tục thì chủ tịch và tổng giám đốc phải thôi việc. Trong những năm vừa qua, xăng dầu lỗ nhưng chúng tôi vẫn ngồi đây do thực hiện nhiệm vụ can thiệp để đảm bảo kinh tế vĩ mô", ông Năm nói.
 
Ông Trần Ngọc Năm cũng cho biết, Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước nên luôn ý thức Petrolimex là công cụ điều tiết, thực hiện theo chỉ đạo. 
 
"Nhà nước bảo giá xăng dầu cao thì giảm xuống, bảo thấp thì điều chỉnh lên. Còn tất nhiên, đứng ở góc độ người bán, tôi muốn giá cao, lợi nhuận lên 500 đồng mỗi lít. Nhưng không được. Điều này chỉ có ở thị trường Campuchia thôi. Còn với Việt Nam, chúng ta còn nhiều mục tiêu khác", ông Năm nói.
 
Thực tế, giá xăng trong năm vừa qua đã được điều chỉnh 5 lần tăng, 6 lần giảm và chốt lại ở mức tăng 4,48%. Petrolimex đã liên tục kêu lỗ để tăng giá, tận dụng tối đa quy định để lấy mức giá cao nhất của bình quân 30 ngày báo cáo lên cơ quan quản lý để tránh phải giảm giá và tiếp tục thu lợi. 
 
Vào tháng 9/2013, trước áp lực dư luận yêu cầu Tập đoàn xăng dầu Petrolimex phải minh bạch giá xăng dầu, chính ông Trần Ngọc Năm cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi. Thậm chí, còn hờn dỗi và dọa Nhà nước thoái vốn, không muốn nhận trách nhiệm kinh doanh xăng dầu.
 
"Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng là như thế. 
 
Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích", ông Năm nói.
 
Sau phát biểu của ông Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, nhiều người dân đã mong chờ các nhà quản lý có động thái quyết liệt, không để việc kinh doanh một mặt hàng thiết yếu của nhà nước nắm chủ yếu trong tay một doanh nghiệp suốt ngày kêu lỗ đòi tăng giá và "khóc lóc ăn vạ".
 
Nhưng Petrolimex vẫn thống lĩnh thị trường với khoảng 50% thị phần toàn quốc, lãi gần 100 đồng/lít xăng và doanh thu giảm so với năm 2012 nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo