Xã hội

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu phủ nhận việc chi 2.000 tỉ cho Festival đờn ca tài tử

Trong buổi gặp gỡ với một số cơ quan báo chí ngày 7/5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định không có chuyện chi 2.000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử (diễn ra từ ngày 24-29/4).

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu gặp gỡ báo chí thông tin cụ thể về vụ “chi 2.000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử” mà một số tờ báo phản ảnh. - Ảnh: Chí Quốc

Có hay không việc tỉnh đã chi 2.000 tỉ đồng cho các công trình phục vụ sự kiện Festival đờn ca tài tử nên hiện không còn nguồn vốn thực hiện các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường… cho dân?

Bà Lê Thị Ái Nam: Với tư cách là phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban tổ chức Festival tôi xin công bố chính thức là không có việc tỉnh Bạc Liêu chi 2.000 tỉ đồng đầu tư các công trình phục vụ sự kiện Festival đờn ca tài tử. Tỉnh ủy có chỉ đạo tập trung quyết liệt 26 hạng mục, công trình đã thực hiện trước đó để chào mừng sự kiện này, trong đó có tới 10 hạng mục, công trình của doanh nghiệp tư nhân đầu tư mà cơ quan chức năng chỉ đôn đốc như: khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu du lịch Nhà Mát, cụm nhà Công tử Bạc Liêu...

Trong 16 hạng mục, công trình còn lại thì có hai hạng mục chỉnh trang đô thị nên không tính. Còn lại 14 công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thì chỉ có hai công trình trước mắt phục vụ Festival đờn ca tài tử gồm: Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu (cụm công trình ba chiếc nón lá), vốn đầu tư 222 tỉ đồng và dự án khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.

Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu đang hoàn thiện phần thô với kinh phí khoảng 90 tỉ đồng. - Ảnh: Chí Quốc

Về lâu dài hai công trình này cũng phục vụ người dân, góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, triển lãm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, phục vụ du lịch… Các công trình khác như Trung tâm hội chợ triển lãm đâu chỉ phục vụ Festival mà hằng năm có bao nhiêu hội chợ được tổ chức, rồi các công trình phục vụ dân sinh như kè sông Bạc Liêu, tuyến đường vành đai ngoài, kè Nhà Mát… đâu chỉ có phục vụ Festival mà còn phục vụ lâu dài, ngay cả quảng trường Hùng Vương thì đã có dự án từ năm 2009 và thực hiện trong nhiều năm rồi, nếu cộng hết vô rồi cho là công trình của Festival thì không đúng. 

Dư luận cho rằng tỉnh không còn vốn thực hiện các công trình dân sinh, tôi xin nói rõ dự án 13 truyến đường ô tô về trung tâm xã cần vốn khoảng 800 tỉ đồng tỉnh đã lập dự án trình Bộ Kế hoạch đầu tư, Chính phủ và được Chính phủ quyết định đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Đây là nhu cầu bức xúc và tỉnh nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Cũng có ý kiến cho rằng sao không lấy nguồn thu xổ số kiến thiết để đầu tư, theo quy định vốn này chủ yếu dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục, nông thôn mới nên không thể chi cho cái này được.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết công trình mô hình đờn kìm tại quảng trường Hùng Vương chỉ khoảng 8,2 tỉ đồng. - Ảnh: Chí Quốc

Có thông tin cho rằng việc tỉnh xây dựng cây đờn kìm cách điệu tiêu tốn đến hơn 20 tỉ đồng là lãng phí?

Bà Lê Thị Ái Nam: Nói như vậy không đúng. Số tiền 20 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư tính luôn phần lát nền quảng trường Hùng Vương. Thực tế tổng mức đầu tư cho công trình đờn kìm gồm hồ nước, cánh sen, đờn kìm, hệ thống phun nước và ánh sáng chỉ có 8,2 tỉ đồng.

Có hay không việc một số công trình xây dựng vừa qua đơn vị thi công trúng thầu là người nhà của lãnh đạo tỉnh, thậm chí việc in thiệp mời cũng do người nhà lãnh đạo tỉnh thực hiện luôn?

Ông Trương Minh Chiến: Chỉ có hai công trình do cần hoàn thành sớm nên tỉnh đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định thầu và được đồng ý là khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu, còn các công trình đấu thầu thì được thực hiện công khai, đúng qui định. Việc có “sân sau” của lãnh đạo tỉnh như phản ảnh thì chúng tôi là người trong cuộc nhưng chưa nghe.

Bà Cao Xuân Thu Vân (chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu): Không có chuyện người nhà của lãnh đạo in thư mời đâu. Thư mời khai mạc, bế mạc Festival chúng tôi đặt in tại TP.HCM với điều kiện in cho xem trước, chào giá sau. Họ đã chào giá 27.000 đồng/thiệp, gởi xe chuyển về. Còn các thư mời 19 sự kiện khác còn lại, Văn phòng UBND tỉnh trực tiếp hợp đồng với xí nghiệp in để làm với tổng số tiền khoảng 43 triệu đồng.

Công trình Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu sẽ được khai thác như thế nào bởi có dư luận cho rằng không nên xây nhà hát hoành tráng như thế?

Bà Lê Thị Ái Nam: Dự án này đang triển khai các gói thầu và đã xong phần thô với tổng vốn khoảng 90 tỉ đồng. Công trình nón lá thứ nhất phục vụ việc bảo tồn, triển lãm văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân và nón lá thứ hai là nhà biểu diễn với sức chứa khoảng 800 người, nón lá thứ 3 phục vụ hội nghị. Ngoài phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của dân, còn kết nối tour tuyến du lịch, kết hợp hội thảo, hội nghị.

Vừa rồi có một công ty tổ chức sự kiện có nhã ý với tỉnh là sau khi xây dựng xong cụm công trình này thì họ sẽ kí hợp đồng khai thác tour tuyến du lịch, đặc biệt là đưa Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên về giao lưu biểu diễn nhưng tỉnh chưa bàn cụ thể vì công trình chưa hoàn thiện. Hiện tại do không còn cần xây dựng cấp bách phục vụ Festival nữa nên các hạng mục còn lại thực hiện đúng quy định về xây dựng cơ bản và theo phân kỳ đầu tư về vốn hàng năm theo quy định.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo