Xã hội

Lào Cai: Nhiều bất cập trong việc di dời bến xe

(DNVN)-Trước thông báo của Sở GTVT Lào Cai về việc từ 1/8, tất cả Doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải liên tỉnh đang hoạt động tại bến xe Phố Mới phải hoàn thành các thủ tục để chuyển về bến xe Trung tâm Lào Cai đã gặp phải sự phản đối gay gắt của chính những bên liên quan.

Liên quan những bất cập và đường đột của việc di rời địa điểm bến xe của Sở GTVT Lào Cai, đại diện các doanh nghiệp vận tải đã gửi đơn khiếu nại lên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Sau khi xem xét đơn thư phản ánh và căn cứ các quy định của Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai chuyển đơn thư của người dân đến UBND tỉnh Lào Cai xem xét, giải quyết, trả lời công dân và báo cáo kết quả về Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai theo quy định của pháp luật.

 

Các doanh nghiệp lo lắng việc di chuyển bến xe sang địa điểm cách đó 12km sẽ không có khách, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.
Các doanh nghiệp lo lắng việc di chuyển bến xe sang địa điểm cách đó 12km sẽ không có khách, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.

Diễn biến mới nhất, tại cuộc đối thoại lần thứ hai với các doanh nghiệp vận tải ngày 13/6, ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết: “Việc di chuyển bến xe Phố Mới sang bến xe Trung tâm nằm trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2030. Theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải liên tỉnh đi qua bến xe Phố Mới phải bắt buộc chuyển về bến xe Trung tâm trước ngày 01/8/2015”.

Ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho rằng việc di chuyển bến xe đã nằm trong kế hoạch của tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho rằng việc di chuyển bến xe đã nằm trong kế hoạch của tỉnh.

Vị Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai giải thích: “Việc di chuyển như vậy nhằm tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, du lịch vốn là thế mạnh của Lào Cai trong tương lai”.

“Cụ thể, diện tích bến xe cũ sẽ được quy hoạch thành Trung tâm văn hóa tiểu vùng sông Mê Công nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở GTVT tỉnh Lào Cai với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do vậy, việc di chuyển bến xe cần được triển khai sớm để đảm bảo lộ trình phát triển của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới”, ông Hài nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh đã có mặt trong buổi đối thoại ngày 13/6 và đề nghị Sở GTVT trả lời rõ ràng có hay không lợi ích nhóm trong việc quy hoạch bến xe.
Nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh đã có mặt trong buổi đối thoại ngày 13/6.

 

Cụ thể, phía các doanh nghiệp này cho rằng, khi chuyển đổi bến đỗ sang vị trí mới chẳng khác nào dồn doanh nghiệp của họ vào thế khó trong kinh doanh, thậm chí phá sản khi phải thay đổi hàng loạt các lộ trình.

Ông Trần Phương, chủ một doanh nghiệp khai thác tuyến xe khách liên tỉnh đi qua địa phận tỉnh Lào Cai nói: “Doanh nghiệp chúng tôi vừa đầu tư hàng chục tỉ đồng từ việc sắm thêm phương tiện, nhân lực để khai thác, mở rộng luồng tuyến qua bến Phố mới thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Giờ chuyển đổi sang bến xe Trung Tâm cách bến xe đang hoạt động ở TP. Lào Cai 12km buộc chúng tôi cùng lúc phải thay đổi lộ trình.

Ông Trần Phương, chủ một doanh nghiệp cho rằng việc quy hoạch “chớp nhoáng” của Sở GTVT Lào Cai đẩy doanh nghiệp khai thác vận tải liên tỉnh đến thềm phá sản.
Ông Trần Phương, chủ một doanh nghiệp cho rằng việc quy hoạch “chớp nhoáng” của Sở GTVT Lào Cai đẩy doanh nghiệp khai thác vận tải liên tỉnh đến thềm phá sản.

“Việc thay đổi bến bãi trên còn khiến hàng loạt các hợp đồng của doanh nghiệp với bến bãi cũ như: Điểm dừng đỗ xe, chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên… sẽ phải phá hợp đồng trước thời hạn, lúc đó ai là người chịu tổn thất cho chúng tôi”, ông Phương chia sẻ.

Cùng chung nhận định, ông Ngô Đức Lán (doanh nghiệp vận tải huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Việc thay đổi bến bãi như phía Sở GTVT tỉnh Lào Cai là bất hợp lý. Bởi vì, không chỉ doanh nghiệp của ông mà hàng chục doanh nghiệp khác điêu đứng vì lượng khách sẽ sụt giảm đáng kể so với lộ trình như hiện nay”.

 

Trong khi đó, một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp đưa ra là khi chuyển ra bến xe Trung tâm thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần vận tải du lịch Hà Sơn (doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn tỉnh Lào Cai) sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp còn lại. Chính vì điều này khiến cho chúng tôi đặt nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong công tác quy hoạch từ phía Sở GTVT tỉnh Lào Cai.

Không chỉ phía các doanh nghiệp chịu tổn thất mà ngay bản thân người dân cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi di chuyển do phải đi thêm khoảng 12km nữa mới đến được bến xe mới.

“Mặt khác, các du khách muốn đến thăm quan Lào Cai cũng sẽ phải lựa chọn thêm 1 loại hình giao thông khác nếu muốn đến các địa điểm tham quan. Chính điều này sẽ khiến cho hệ thống giao thông xáo trộn”, ông Lán nêu quan điểm.

Phía doanh nghiệp vận tải đến từ Yên Bái, ông Phạm Duy Đốc cho biết: “Việc quy hoạch của tỉnh Lào Cai đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải lớn của tỉnh độc quyền, đẩy doanh nghiệp khai thác vận tải của các tỉnh khác đến vực phá sản”.

Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cũng chia sẻ: “Việc quy hoạch mà Sở GTVT tỉnh Lào Cai đưa ra chưa thuyết phục và khó thể đồng thuận. Ít nhất cần phải lộ trình cho doanh nghiệp lựa chọn chứ không thể chỉ thông báo sau hai tháng “ép” doanh nghiệp phải thực hiện ngay được. Đó là chưa kể việc chọn điểm làm bến xe mới sai vị trí, gây lãng phí ngân sách nhà nước và người dân bị “móc túi” khi phải trả thêm một khoản tiền nữa để di chuyển đến bến mới đi xe”.

 

Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Việc quy hoạch mà Sở GTVT tỉnh Lào Cai đưa ra cần lộ trình chứ không thể chỉ thông báo sau hai tháng “ép” doanh nghiệp phải thực hiện ngay được”.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Việc quy hoạch mà Sở GTVT tỉnh Lào Cai đưa ra cần lộ trình rõ ràng, chi tiết”.

Sau cuộc đối thoại lần hai, phía đại diện 45 doanh nghiệp vận tải liên tỉnh có luồng tuyến khai thác tại Lào Cai và Sở GTVT tỉnh Lào Cai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Được biết, bến xe Phố Mới (TP.Lào Cai) có diện tích trên 10.000m2, với tần suất ra-vào bến khoảng 700 lượt xe/ngày. Nhưng hiện tại mỗi ngày bến này chỉ có khoảng 170 xe ra-vào (chiếm 25% công suất khai thác). Ngoài ra, bến được xây dựng tại một vị trí thuận lợi, có hạ tầng giao thông thông thoáng, đối diện với ga Lào Cai và gần khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và sự đi lại của người dân địa phương. Việc thay đổi bến mới cũng làm đảo lộn quy trình quản lý của doanh nghiệp như: Phải xin phép mở tuyến mới, xin cấp phù hiệu mới, ký hợp đồng mới, xin phê duyệt lại giá cước, in lại vé ghi rõ bến đến - bến đi, thay đổi thiết bị giám sát hành trình… Trong khi đó, theo quy định của Bộ GTVT, khi điều chuyển luồng tuyến, bến đi - bến đến, các sở GTVT phải thông báo ít nhất trước 24 tháng để các DN lựa chọn, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính dẫn đến DN mất ổn định…

Trả lời PV, ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và trình lên UBND tỉnh Lào Cai xin ý kiến chỉ đạo. Trước mắt, Sở GTVT tỉnh Lào Cai sẽ kéo dài lộ trình di chuyển bến xe để doanh nghiệp an tâm hoạt động.

Quang Chiến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo