Lão đại gia Lê Ân suýt lãnh án tử hình?
Bị gạt khỏi cuộc chơi "nâng cấp" lên ngân hàng tại quỹ tín dụng mà trước đó chính ông đã lao tâm khổ tứ, Lê Ân nhanh chóng nhận được nhiều lời mời của các hợp tác xã tín dụng, ngân hàng khác. Ông nhận lời về cứu Quỹ tín dụng Phú Đông, đang đứng trước nguy cơ phá sản, bằng động thái gửi ngay 10kg vàng vào quỹ.
Dưới sự dẫn dăt của Lê Ân, quỹ Phú Đông đã trả được toàn bộ số nợ xấu và lãi gần 100 triệu đồng chỉ trong vòng 4 tháng. Một số tiền mà lãnh đạo Quỹ tín dụng Phú Đông trước đó có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Ngay sau đó, ông đề xuất với lãnh đạo quỹ sáp nhập với Tín dụng Thống Nhất để xin nâng cấp lên thành ngân hàng và lập tức được chấp nhận. Việc sáp nhập hai quỹ chính là tiền thân cho sự ra đời của Ngân hàng Tân Việt sau này.
Sau khi hoàn thành vai trò của mình trong chiến dịch giải cứu Quỹ tín dụng Phú Đông, Lê Ân lấy lại 10kg vàng đã gửi, tuyệt nhiên không lấy lãi và giao lại toàn bộ việc điều hành cho ê-kíp lãnh đạo mới. Đến sao đi vậy, ông nói: "Ngay cả tiền lương, tôi cũng không nhận, huống gì mưu cầu khác. Tuy nhiên, giải quyết xong vụ Phú Đông, tôi thấy mệt mỏi. Hồi đó tôi đã định rửa tay gác kiếm, không tham gia làm ngân hàng hay tín dụng nữa".
Muốn được nghỉ ngơi, ông Ân quyết định ly dị với người vợ mất tích bấy lâu. Ông tái hôn lần thứ 3 với cô nhân viên đang làm việc tại một trong những tiệm thuốc của ông có tên là T. Lúc ấy, T, mới ngoài 20 tuổi, xinh đẹp. Kết hôn xong, ông giao toàn bộ việc quản lý các tiệm thuốc Tây cho T., quản lý. Về phần mình, ông điều hành Quỹ tín dụng Hòa Hưng và cơ sở kinh doanh vàng.
Tin vợ, ông giao luôn cho vợ quản lý tủ vàng mà Quỹ tín dụng Hòa Hưng đang cất giữ (theo ông có khoảng 27 kg) đề phòng trường hợp cần phải trả ngay cho khách hàng đã gửi tiết kiệm nếu các món nợ cho vay của quỹ tín dụng chưa thu hồi lại được. Nhưng ông một lần nữa mất trắng số tiền này khi một ngày, người vợ trẻ âm thầm chuyển hết số vàng về nhà mẹ đẻ và cắt đứt quan hệ ngay sau đó...
Mất cả vợ lẫn vàng Lê Ân chán nản, nhận lời xuống Vũng Tàu với sứ mệnh giải cứu Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đang thua lỗ 10 tỉ đồng, chuẩn bị tuyên bố phá sản. Ngay khi vừa tiếp nhận nhiệm vụ, Lê Ân đã nhờ các cơ quan truyền thông phát đi cam kết của mình rằng, trong khoảng thời gian cực ngắn, toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng sẽ được Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu - Côn đảo hoàn trả đầy đủ cả tiền gốc lẫn tiền lãi.
Nói được, làm được, toàn bộ tiền gửi tiết kiệm cộng với phần lãi suất theo quy định cho các cá nhân đã gửi tiết kiệm tại đây được Lê Ân thanh toán sòng phẳng, đàng hoàng...
Tiếp đến, Lê Ân bàn với lãnh đạo Quỹ tín dụng, nộp hồ sơ xin nâng cấp Quỹ tín dụng Hội phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo lên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (tên giao dịch là VCSB). Ngày 9/10/1991, trụ sở của VCSB chính thức được khai trương tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với giấy phép hoạt động có thời hạn là 99 năm.
Năm 1994, VCSB xin được phép thanh toán quốc tế. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VCSB phải hội đủ điều kiện là tăng vốn điều lệ lên 70 tỉ đồng. VCSB đã đáp ứng được điều kiện này. Cũng cần nói thêm rằng vào thời điểm 1994, trong số các ngân hàng ngoài quốc doanh, duy nhất VCSB đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 70 tỉ đồng.
Như rồng gặp mây, hổ thêm cánh… được chấp thuận cho phép thanh toán quốc tế, VCSB có được khoản lợi nhuận cực lớn. Say đà chiến thắng, VCSB lập xưởng chế biến vàng miếng kiểu dáng công nghiệp với nhãn hiệu "Vũng Tàu Việt Nam tiền vàng", được Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam cấp giấy phép vào tháng 9/1995.
Tiếp đến, Lê Ân lập Công ty Lê Hoàng để triển khai kinh doanh các tài sản thu nợ. Đồng thời, VCSB thành lập dự án làng du lịch Chí Linh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho phép VCSB thành lập khu du lịch này, bởi VCSB không có chức năng kinh doanh du lịch. Chính vì vậy, VCSB đã chuyển toàn bộ dự án kinh doanh khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng. Chính từ đây, vận hạn của Lê Ân bắt đầu xuất hiện.
Với hợp đồng chuyển nhượng của VCSB cho Công ty Lê Hoàng, có dư luận nghi ngờ Lê Ân đã lạm quyền khi chi đến 82 tỉ đồng cho Công ty Lê Hoàng (nơi Lê Ân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị). Từ nghi ngờ này, cá nhân gửi tiết kiệm tại VCSB đâm ra hoang mang, hàng nghìn người kéo đến VCSB để xin rút tiền trước thời hạn.
Không đủ khả năng đáp ứng lượng tiền mặt của các cá nhân yêu cầu rút quá lớn, Ngân hàng Nhà nước đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VCSB phải chuyển toàn bộ tài sản gồm tài sản thu hồi nợ, tài sản hình thành bằng nguồn vốn điều lệ, tài sản khách hàng thế chấp đảm bảo nợ vay chưa đến hạn trả nợ… cho tổ kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước để quản lý.
Cùng lúc, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đề nghị khởi tố vụ án "Cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lập ngân hàng huy động vốn nhằm chiếm đoạt tài sản, mất khả năng chi trả" đối với ban lãnh đạo của VCSB. Đó là vụ án cực kỳ nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của báo giới lẫn dư luận vào thời điểm đó. Bóng ma "nước hoa Thanh Hương" vô hình xuất hiện khiến giới kinh doanh tiền tệ rúng động, dư luận hoang mang.
Ngày 28/5/2001, Lê Ân bị tuyên phạt 20 năm tù giam với tội danh "Cố ý làm trái", án phạt chung thân với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và án tử hình với tội danh "Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo". Tổng cộng hình phạt là tử hình. Sáu thành viên trong Ban lãnh đạo VCSB cũng chịu các mức án tù giam khác nhau.
Lê Ân làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho Cơ quan điều tra để minh chứng rằng mình vô tội. May mắn, trong lần kháng cáo này, Lê Ân đã thành công. Các tội danh ban đầu của Lê Ân được giảm xuống thành "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng", với mức án phạt tù 12 năm.
Trong thời gian thụ án tại Trại giam Z30D - Bộ Công an, Lê Ân nhận được tin mẹ già 92 tuổi của mình không có người trông coi. Lê Ân viết đơn xin lãnh đạo cho phép được mang mẹ vào trại giam săn sóc. Bởi khi ông bị bắt, gần như toàn bộ người thân (kể cả người vợ thứ 4) cũng đã ngoảnh mặt lại với ông.
Vì lòng nhân đạo, lãnh đạo Trại giam Z30D đã chấp thuận đơn xin xem xét của Lê Ân. Mẹ ông được phép sinh sống tại căn nhà cấp 4, vốn dĩ là phòng làm việc cũ của cán bộ trại giam. Lê Ân vừa học tập lao động, vừa chăm sóc mẹ. Hơn năm sau, mẹ ông ốm nặng, lãnh đạo trại giam cho phép ông nhờ người ở Công ty Lê Hoàng đưa xe lên đón mẹ ông về thành phố để có điều kiện hơn trong việc chạy chữa.
Ngày 31/8/2005, Lê Ân được đặc xá ra tù trước thời hạn. Hai năm sau, năm 2007, mẹ ông mất. Ra tù, ông thêm lần nữa làm lại từ đầu.
Theo An ninh thế giới
End of content
Không có tin nào tiếp theo